Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi vẫn rất ngổn ngang sau nhiều lần giãn tiến độ |
Cú bắt tay “xẻ thịt” đất công
Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi do Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi do 2 thành viên góp vốn thành lập là Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi) cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với mã số doanh nghiệp số 4300800156 (đăng ký lần đầu ngày 10/5/2017).
Công ty có vốn điều lệ 220 tỷ đồng, trong đó, Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam góp 143 tỷ đồng (tương đương 65% vốn điều lệ), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi góp 77 tỷ đồng (tương đương 35% vốn điều lệ).
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi được hoạt động trong lĩnh vực bệnh viện (mã ngành VSIC 8610).
Người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Lê Thanh Đức, Giám đốc (đại diện của Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam) và ông Phạm Ngọc Lân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (được Chủ tịch UBND tỉnh cử đại diện quản lý phần vốn góp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 9/5/2017). Sau đó, điều chỉnh ông Huỳnh Giới là người đại diện quản lý phần vốn góp tại Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến đầu năm 2023, ông Huỳnh Giới nghỉ hưu, nhưng chưa có quyết định điều chỉnh người đại diện quản lý phần vốn góp của Bệnh viện.
Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư lần đầu tại Quyết định số 839/QĐ-UBND ngày 8/5/2017. Khu dịch vụ chất lượng cao nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng (vốn góp 220 tỷ đồng, vốn vay 880 tỷ đồng), thời hạn hoạt động 49 năm và được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Theo hồ sơ của Dự án, “tháng 5/2017 khởi công xây dựng, tháng 9/2018 hoạt động chính thức”. Ngày 12/5/2017, sau khi lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư có đơn xin thuê đất, được UBND tỉnh thu hồi đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi thuê đất tại Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 22/5/2017, với tổng diện tích 11.004 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 15/9/2017.
Quá trình thực hiện Dự án, UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư lần đầu tại Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 26/02/2018; Sở Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định 213/QĐ-SKHĐT ngày 5/11/2018 về giãn tiến độ đầu tư 15 tháng, đến tháng 12/2019 hoàn thành.
Sau đó, UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 2 tại Quyết định số 458/QĐ-UBND và lần 3 tại Quyết định số 92/QĐ-UBND ngày 11/02/2020, kéo dài tiến độ đến tháng 6/2021 đưa vào hoạt động.
Dự án được Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy phép xây dựng số 44/GPXD ngày 22/11/2018 và thay thế Giấy phép số 07/GPXD ngày 18/2/2020.
Chủ đầu tư đã tổ chức lễ động thổ khởi công vào ngày 24/6/2017 và triển khai thi công một số hạng mục, nhưng đến quý II/2020 thì dừng thi công, do không tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư.
Quá nhiều sai phạm
Ngày 20/2/2023, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra rằng, Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, thuộc cơ sở nhà, đất do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang quản lý, sử dụng. Đây là cơ sở nhà, đất công sản, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, Sở Tài chính tham mưu xử lý tài sản trên đất và hạ tầng chưa xem xét đầy đủ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 hoặc theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách phát triển y tế, mà chỉ xem xét theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai, dẫn đến việc xử lý tài sản, đất đai không đúng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ; điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ.
“Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc là tài sản công này là không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hướng khắc phục là phải xác định giá khởi điểm của tài sản trên đất, bao gồm cả quyền sử dụng đất, để thực hiện bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo theo quy định tại Điều 20, 23, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ hoặc thực hiện theo điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên, tính đến ngày 20/2/2023, các cơ quan liên quan và chủ đầu tư Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện đầy đủ nội dung này, dù Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tại Kết luận thanh tra số 04/KL-UBND ngày 7/6/2019.
Đáng chú ý là, khi trình UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan “quên” thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, điều này là không đúng quy định tại khoản 4, Điều 14, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và điểm b, khoản 3, Điều 30, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014. Mặt khác, nhà đầu tư cũng không thực hiện ký quỹ bảo đảm theo Điều 27, Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ và không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng theo điểm d, khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư 2014.
Không hiểu vì lý do gì, khi chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã thi công hàng loạt hạng mục như ép cọc đại trà, đào đất hố móng công trình, đạt đến 74% khối lượng phần móng cọc (614/831 tim cọc). Những hạng mục này đều không đủ điều kiện khởi công xây dựng công trình theo điểm b, khoản 1, Điều 107, Luật Xây dựng 2014. Nhưng kỳ lạ thay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi không xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giãn tiến độ 15 tháng (từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2019). Sau đó, UBND tỉnh điều chỉnh tiến độ đến tháng 6/2021 (có tổng thời gian đã giãn tiến độ, điều chỉnh tiến độ là 33 tháng).
“Như vậy, sau khi được giãn tiến độ đến tháng 6/2021, tính đến nay, Dự án thực hiện chậm 19 tháng theo Quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh số 92/QĐ-UBND ngày 11/2/2020 và không thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa lập thủ tục xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra.
Cơ quan này cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chưa nắm chắc quy trình, thủ tục, nhưng không chủ động xin ý kiến tư vấn của Sở Y tế, Sở Tài chính, nên không thực hiện thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để xác định giá trị tài sản làm cơ sở thỏa thuận với Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam tham gia liên doanh, liên kết, mà để Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam thực hiện thủ tục thuê tổ chức thẩm định giá là không đảm bảo tính minh bạch, không đúng quy định tại khoản 5, Điều 44, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009, cũng như khoản 1, Điều 15, Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Mặt khác, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện thủ tục lập phương án, đề án liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mà chỉ lập Biên bản thỏa thuận vốn góp giữa hai bên và không thực hiện ký hợp đồng góp vốn, liên doanh, liên kết khi thành lập pháp nhân mới là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại điểm 7, khoản 2, Điều 1, Thông tư số 156/2016/TT-BTC; khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ. “Sở Y tế, Sở Tài chính không kịp thời hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện các thủ tục liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến các sai sót nêu trên”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi kết luận.
Khi giao khu đất cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, khu đất này có các tài sản trên đất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư vào ngày 8/2/2018, nhưng lại không thực hiện đầy đủ, đúng trình tự thủ tục về xử lý tài sản theo quy định của Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009.
Bị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý vào năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã “sửa sai” bằng cách thuê tổ chức thẩm định giá và trình Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh (vào tháng 8/2020) với giá trị tài sản còn lại sau đánh giá của 13 tài sản với giá trị 1.846.940.482 đồng, nhưng đến tháng 2/2023 vẫn chưa được xem xét, xử lý. Còn một tài sản là Khu xử lý chất thải nằm trong diện tích Dự án chưa xác định giá trị còn lại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang sử dụng.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi xác định, tính đến tháng 2/2023, có 9/13 tài sản với giá trị xác định 457.852.000 đồng đã tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư, khi thi công đã di dời, phá dỡ, còn có 4/13 tài sản trên đất dự án với giá trị xác định 1.389.088.482 đồng vẫn còn nguyên hiện trạng chưa bị phá dỡ.
Đối với 2 hạng mục Nhà xe và Khoa Giải phẫu bệnh đã di dời, phải xây dựng lại phục vụ hoạt động của Bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng nhà xe số 2 với số tiền 263.097.000 đồng và đầu tư xây dựng mới Khoa Giải phẫu bệnh với số tiền 946.623.000 đồng.
“Đối với 9/13 tài sản công đã bàn giao để thực hiện Dự án không đúng theo quy định của pháp luật, dẫn đến các tài sản này đã bị di dời, phá hủy khi thi công với giá trị xác định 457.852.000 đồng, đến nay chưa được chủ đầu tư bồi thường, có nguy cơ thất thoát tiền ngân sách nhà nước”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra.