Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình vẫn bất động sau nhiều năm. |
Liên tục xin gia hạn, liên tục “thất hứa”
Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình do Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa (thuộc Tập đoàn Dohwa Engineering, Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 8/4/2016 và được cho thuê đất ngày 26/4/2016, Dự án sử dụng diện tích đất 3 ha, địa điểm thực hiện tại Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, thuộc Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình).
Về quy mô, sau khi hoàn thành giai đoạn I, nhà máy có công suất 50.000 tấn/năm; giai đoạn 2, nâng công suất lên 200.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 240 tỷ đồng (100% vốn chủ sở hữu).
Được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, nhưng sau hơn 8 năm kể từ thời điểm được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu, đến nay, Dự án vẫn đang nằm… trên giấy.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh chủ trương đầu tư để gia hạn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Mặc dù vậy, sau mỗi lần được cơ quan chức năng tạo điều kiện gia hạn, nhà đầu tư gần như không có bất cứ động thái nào để thực hiện.
Tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu (ngày 8/4/2016), mốc tiến độ Dự án được xác định: giai đoạn 1, khởi công xây dựng vào quý II/2016 và hoàn thành vào quý II/2017. Trong giai đoạn 2, khởi công xây dựng vào quý II/2018 và hoàn thành vào quý II/2019.
Tại quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ hai (ngày 8/11/2018), tiến độ Dự án được thay đổi: hoàn thành giai đoạn I vào quý II/2019; giai đoạn II, khởi công xây dựng vào quý II/2019 và hoàn thành vào quý II/2020.
Đến lần điều chỉnh thứ 3 (Quyết định số 717/KKT-QLĐT ngày 10/6/2022), tiến độ Dự án được xác định sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động trong tháng 12/2022. Tuy vậy, hết thời hạn này, Dự án vẫn “bất động”. Tại hiện trường, trừ tòa nhà điều hành 2 tầng nằm trơ trọi và hệ thống hàng rào xung quanh, toàn bộ Dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Các hạng mục quan trọng như nhà xưởng, máy móc, thiết bị vận hành gần như không được triển khai.
Giải thích lý do không hoàn thành đúng thời hạn, ông Đặng Văn Năm, Giám đốc điều hành Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát, nên quá trình thực hiện Dự án bị gián đoạn. Ngay sau khi hết đại dịch, thì đến ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tất cả khiến việc tái khởi động Dự án bị quá hạn và nhà đầu tư lại phải xin điều chỉnh tiến độ thêm lần nữa, nhưng chưa được tỉnh đồng ý”.
Ngày 6/2/2024, Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa có Văn bản số DRD-K-2024-02-01 báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình thực hiện Nhà máy Sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để triển khai xây dựng hoàn thành nhà máy trong năm 2024, đề nghị gia hạn thực hiện đến ngày 31/12/2024 để có cơ hội tiếp tục đầu tư vào Quảng Bình.
Trước việc Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình chậm tiến độ nhiều năm liền và nhà đầu tư liên tục “thất hứa”, ngày 22/2/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình gửi văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình để chấm dứt, thu hồi Dự án.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, sau khi rà soát theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Đầu tư, cơ quan chức năng nhận thấy tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình đã quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu; đã được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại Điều 41, Luật Đầu tư.
“Nhà đầu tư đề xuất mong muốn được tiếp tục gia hạn tiến độ để có cơ hội thực hiện Dự án. Tuy nhiên, xét thấy đề xuất của nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nêu trên của Luật Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ xem xét chấm dứt hoạt động của Dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chủ trương trước khi thực hiện”, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
Ngày 11/3/2024, theo Công văn số 86-CV/BCSĐ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có ý kiến thống nhất theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về việc chấm dứt Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình.
Ý kiến bất nhất từ cơ quan chức năng
Cơ quan chức năng liên quan đã có ý kiến dứt khoát về việc chấm dứt Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình, thế nhưng, Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa lại thêm lần nữa kiến nghị xin gia hạn tiến độ.
Cụ thể, ngày 9/4/2024, nhà đầu tư có văn bản số DE-2024-04-01 gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và đưa ra cam kết sẽ hoàn thành Dự án trong năm 2024.
Lần này, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan với Tập đoàn Dohwa Engineering và Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa vào ngày 15/5/2024 để nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án, khả năng triển khai thực hiện và cam kết của nhà đầu tư.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương dự họp thống nhất ý kiến báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét cho chủ trương về việc điều chỉnh Dự án (theo đề xuất của nhà đầu tư).
Đến ngày 7/6/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình có báo cáo gửi UBND tỉnh liên quan đến việc xem xét điều chỉnh Dự án. Theo đó, cơ sở của việc xem xét điều chỉnh (theo giải trình của nhà đầu tư) là do “thuộc trường hợp để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai, phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 41, Luật Đầu tư và khoản 1, Điều 15, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ”.
Sự bất nhất trong các nhận định của cơ quan chức năng liên quan về lý do thu hồi, chấm dứt Dự án và xem xét cho điều chỉnh gia hạn tiến độ Dự án chỉ sau vài tháng khiến dư luận cảm thấy khó hiểu.
Một chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan chức năng không thể đưa ra lý do “ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế, tài chính thế giới” để giải thích cho việc nhà đầu tư không hoàn thành Dự án đúng thời hạn vào tháng 12/2022, cũng như không thể lấy đây là lý do để xem xét đề nghị gia hạn tiến độ theo đề xuất của nhà đầu tư. Bởi điều này không đáp ứng các yếu tố về sự kiện bất khả kháng theo khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bên cạnh văn bản xin điều chỉnh gia hạn tiến độ của Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa, ngày 20/5/2024, Tập đoàn Dohwa Engineering cũng có văn bản (do ông Park Seung Woo, Chủ tịch Tập đoàn ký) gửi UBND tỉnh Quảng Bình cam kết, doanh nghiệp sẽ triển khai xây dựng trên hiện trường trong vòng 3 tháng; hoàn thành đưa Dự án vào hoạt động chậm nhất vào tháng 12/2025 nếu được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong trường hợp không thực hiện được các mốc tiến độ và nghĩa vụ tài chính như đã cam kết, nhà đầu tư “đồng ý chấm dứt dự án vô điều kiện”.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu lãnh đạo Tập đoàn Dohwa Engineering đưa ra cam kết này. Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình vào ngày 2/2/2023, lãnh đạo Dohwa Engineering cũng cam kết tương tự với mốc thời hạn là ngày 31/12/2023.
Lý giải nguyên nhân tiếp tục xem xét đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn tiến độ Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình của nhà đầu tư, ông Hoàng Đăng Anh, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, mặc dù Ban đã có văn bản báo cáo cấp trên về chủ trương thu hồi Dự án vào thời điểm tháng 2/2024, nhưng khi nhà đầu tư tiếp tục có văn bản kiến nghị đề xuất, thì cơ quan chức năng cũng phải xem xét và xin ý kiến cấp trên trước khi đưa ra quyết định.
Phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về hướng xử lý của UBND tỉnh đối với báo cáo đề xuất mới đây của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, tuy nhiên, ông Thắng từ chối trả lời.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trách nhiệm xử lý dự án này thuộc về thẩm quyền của Ban Quản lý Khu kinh tế, nên UBND tỉnh không có ý kiến xem xét báo cáo.
“Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh không báo cáo trực tiếp với Tỉnh ủy, nên nhờ Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo thay, chứ việc xử lý Dự án là thẩm quyền của Ban Quản lý Khu kinh tế, không phải của UBND tỉnh”, ông Lâm nói.