Đầu tư
Dự án sân bay Long Thành: Làm rõ việc phân chia hạng mục đầu tư
Anh Minh - 29/05/2020 07:58
Phân chia hợp lý các hạng mục tại Dự án sân bay Long Thành (giai đoạn 1) giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân.
.

Chặt chẽ, chuẩn xác và có sức thuyết phục

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước đặt ra với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập, thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành tại cuộc họp thẩm định dự án được tổ chức vào giữa tuần này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Do yêu cầu tiến độ triển khai gấp, nên công tác thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi cần phải nhanh chóng, nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, có sức thuyết phục cao để trình Thủ tướng phê duyệt và có thể khởi công trong quý I/2021”.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I và giao Hội đồng Thẩm định Nhà nước; Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT); các bộ, ngành liên quan; UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp thực hiện hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Theo Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 3/3/2020 của Chính phủ về Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I và các quy định của pháp luật, Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ tập trung thẩm định 19 nội dung tại Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư, trong đó có những nội dung rất quan trọng, như quy mô đầu tư, hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần; phân kỳ đầu tư; phương án lựa chọn công nghệ, thiết bị; tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn, các phương án huy động vốn…

Trong Dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho biết, tư vấn thẩm tra (liên danh tư vấn quốc tế do Coninco đứng đầu) đã thẩm tra và xác định tổng mức đầu tư Dự án là 109.232,96 tỷ đồng, tương đương 4,695 tỷ USD, giảm 2.456 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã có sự thay đổi, nên Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và đại diện Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT, ACV khẩn trương rà soát, cập nhập lại tổng mức đầu tư theo quy định mới và bổ sung phương án so sánh tổng mức đầu tư với các sân bay nước ngoài khác đã triển khai trong thời gian vừa qua để làm rõ thêm sự hợp lý của tổng mức đầu tư.

Làm rõ cơ sở để giao ACV làm chủ đầu tư

Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước là việc phân chia các dự án thành phần cho phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và tính đặc thù của Dự án sân bay Long Thành.

Tại văn bản số 3600/BGTVT-KHĐT ngày 15/4/2020, Bộ GTVT đã chỉnh sửa cách thức phân chia các hạng mục tại Dự án sân bay Long Thành thành 4 dự án thành phần, nhưng vẫn sẽ giao ACV là nhà khai thác cảng duy nhất.

Cụ thể, tại Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan nhà nước sẽ đầu tư bằng vốn  của ACV, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay sẽ được đầu tư bằng vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu của cảng hàng không sẽ đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn của ACV; Dự án thành phần 4 - các công trình khác trong cảng hàng không sẽ do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

“Bộ GTVT và ACV cần làm rõ thêm tính hợp lý và cơ sở của việc phân chia này, trong đó lưu ý cần phân chia thành các dự án thành phần nhỏ hơn”, ông Tăng Ngọc Tráng, đại diện Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho biết.

Đối với việc xác định chủ đầu tư, nhiều ý kiến của thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước thống nhất với việc giao ACV là chủ đầu tư Dự án thành phần 3 (khoảng 3,89 tỷ USD) và giao Bộ GTVT chủ trì lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án thành phần 4. Tuy nhiên, nhiều đại diện trong Hội đồng Thẩm định cho rằng, cần xem xét đầy đủ tính pháp lý đối với đề xuất của Bộ GTVT để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Trường hợp có thể giao ACV làm chủ đầu tư, thì chủ trương thực hiện cần phải được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông của ACV. Với tư cách là đại diện phần vốn nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần có thuyết minh, đánh giá cụ thể, rõ ràng về khả năng bố trí nguồn vốn, phương án huy động vốn của ACV cho Dự án”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế mời ACV vay vốn lãi suất thấp

Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, từ đầu năm đến nay, đơn vị này liên tục nhận được bản chào vay vốn của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới để đầu tư Cảng hàng không Long Thành. Điều đáng lưu ý là, mức lãi suất cho các khoản vay bằng USD hiện chỉ khoảng 4%/năm, thấp hơn 2 - 3% so với các bản chào gửi trước thời điểm dịch Covid-19.
Tin liên quan
Tin khác