Dự án Thủy điện Sông Nhiệm 3 nằm tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Theo kế hoạch trước đây, công suất nhà máy là 10 MW, tổng mức đầu tư ước tính trên 345 tỷ đồng. Tuyến đầu mối công trình nằm trên địa bàn xã Niêm Sơn, cách huyện lỵ Mèo Vạc 20 km, cách TP. Hà Giang 200 km, hồ chứa của công trình nằm trên địa bàn các xã Mậu Long, Ngọc Long huyện Yên Minh. Công trình thủy điện Sông Nhiệm 3 thuộc loại nhà máy sau đập, có hồ chứa điều tiết mùa, bao gồm: đập dâng, đập tràn, công trình dẫn dòng, nhà máy thủy điện và đường dây…
Dự án Thủy điện Sông Nhiệm 3 đã được khởi công xây dựng từ quý IV/2014. Mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định chấp nhận chuyển nhượng dự án này từ Công ty cổ phần Licogi 19 sang chủ đầu tư mới là Licogi 13. Ông Phạm Văn Thăng, Tổng giám đốc Licogi 13 cho biết, Licogi 13 đã có kinh nghiệm thi công các công trình thuỷ điện trọng điểm quốc gia như Thuỷ điện Lai Châu, Thuỷ điện Bản Chát, Thuỷ điện Sông Tranh II… Theo đó, khi tiếp nhận Dự án Thủy điện Sông Nhiệm 3, Công ty đã cùng tư vấn thiết kế kiểm tra và rà soát lại để thay đổi công suất lắp máy lên 14 MW với tổng mức đầu tư 428 tỷ đồng.
Cùng với việc giao chủ đầu tư mới là Licogi 13, tỉnh Hà Giang cũng đã quyết định điều chỉnh tiến độ Dự án, với kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý IV/2020. Theo tiến độ mới điều chỉnh, trong quý I/2017, chủ đầu tư sẽ tập kết máy móc, vật liệu, nhân công tại mặt bằng thi công. Dự kiến đến quý IV/2018, Dự án sẽ thực hiện việc tích nước lòng hồ, quý I/2020 sẽ nút cống dẫn dòng. Tiếp đó, Dự án sẽ phát điện tổ máy số 1 vào quý II/2020, phát điện tổ máy số 2 và hoàn thành đi vào hoạt động vào quý IV/2020.
Việc Licogi 13 tung quân vào Dự án Thủy điện Sông Nhiệm 3 ngay những ngày đầu năm mới Đinh Dậu đã mở ra nhiều kỳ vọng trong giới đầu tư về một năm bận rộn cho doanh nghiệp niêm yết này. Diễn biến cổ phiếu LIG trong giai đoạn gần đây cho thấy động thái phục hồi khá mạnh. Cuối tháng 12/2016, thị giá cổ phiếu LIG chỉ ở mốc 4.100 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó đã tăng giá rất mạnh từ đầu tháng 1/2017 và hiện đã tiếp cận mặt bằng gần 6.000 đồng/cổ phiếu. Với tốc độ phục hồi này, cổ phiếu LIG đã có một giai đoạn đi lên khá ngoạn mục: tăng trên 40% chỉ trong vòng hơn 1 tháng.
Thực chất, chiến lược tung quân oanh tạc vào các mảng kinh doanh chủ chốt đã được Licogi 13 khởi động từ cuối năm 2016. Theo đó, hồi tháng 12 năm ngoái, công ty này đã nhận làm làm tổng thầu thi công 2 khối chung cư tại Dự án Vĩnh Lộc D’Gold (TP.HCM). Theo đó, với vai trò tổng thầu, Licogi 13 sẽ thực hiện công tác thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị trọn gói hai khối chung cư trong thời gian khoảng 26 tháng.
Trước đó ít lâu, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cấp Giấy phép số 344/GP-UBND về việc cho phép Công ty cổ phần Licogi 13 - Vật liệu xây dựng (Licogi 13-CMC) là công ty con của Licogi 13, được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá vôi ở núi Hang Dơi, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia để phục vụ dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận. Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển mục đích sử dụng 51.000 m2 đất núi đá tại xã Tân trường, huyện Tĩnh Gia sang đất khai thác khoáng sản và cho Licogi 13-CMC thuê. Như vậy, hiện nay, Licogi 13-CMC đang quản lý và sử dụng 125.927 m2 đất để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản và làm khai trường.
Việc nhận một số dự án mở ra tín hiệu lạc quan mới, nhưng việc để Licogi 13 thực sự bứt phá có thể sẽ còn một chặng đường dài, bởi trong năm 2016 vừa qua, kết quả kinh doanh vẫn chưa thực sự thuyết phục. Lợi nhuận sau thuế của Licogi 13 trong năm 2016 mới chỉ đạt hơn 1,38 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 20 tỷ đồng năm 2015.