. |
Nợ quá hạn hơn 615 tỷ đồng
Sau 13 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai, đến nay, Dự án TISCO II vẫn là công trình dở dang. Theo lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), do các vướng mắc không thể giải quyết dứt điểm của hợp đồng EPC với nhà thầu chính (Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc - MCC) và 14 nhà thầu phụ Việt Nam, nên Dự án tạm dừng, chưa tiếp tục triển khai thi công. Những gì TISCO làm thời gian qua là gửi nhiều báo cáo tới Chính phủ, các ban, ngành và chờ ý kiến chỉ đạo.
Thời gian không chỉ làm hoen gỉ dây chuyền, máy móc, thiết bị nhập về, mà còn khiến khối nợ của TISCO mỗi ngày một phình to. Số liệu cập nhật mới nhất của doanh nghiệp thép này vào cuối năm 2019 cho thấy, tổng chi phí đầu tư Dự án TISCO II đã lên tới gần 5.362 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí lãi vay đã vốn hóa xấp xỉ 2.155 tỷ đồng, gần ngang ngửa với nợ gốc.
Năm 2019 cũng là lần đầu tiên, công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của TISCO, dù các năm trước đã liên tục nhấn mạnh vấn đề liên quan đến dự án mới. Đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của TISCO đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay của TISCO xấp xỉ 4.853 tỷ đồng, đóng góp hơn một nửa nguồn vốn.
Đối với khoản vay nợ cho Dự án TISCO II, dư nợ đến cuối năm 2019 tăng thêm 284 tỷ đồng, đạt 3.565 tỷ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của TISCO cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh”, Hãng kiểm toán AASC cho hay.
Thực tế, ngay từ năm 2019, TISCO đã phải co kéo dòng tiền bằng cách thỏa thuận với các nhà cung cấp để tăng thời gian trả chậm hay yêu cầu khách hàng ứng trước tiền, đồng thời giảm tồn kho và làm việc với các ngân hàng để vay kịch hạn mức mới có đủ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh thông thường.
Bài toán thoái vốn
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì vào đầu tháng 4, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel (công ty mẹ của TISCO) thừa nhận, việc bám theo nguyên tắc xử lý dự án theo cơ chế thị trường và Nhà nước không cấp vốn, đồng thời đảm bảo vốn nhà nước tại doanh nghiệp có xác suất không khả thi rất cao. Điều này đã khiến các đơn vị, cá nhân trực tiếp xử lý Dự án chần chừ, chỉ đưa ra kiến nghị chung chung và chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên.
Đàm phán giữa TISCO và nhà thầu Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm. Điều kiện tiên quyết mà phía nhà thầu Trung Quốc đưa ra là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm Dự án.
Năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã từng góp thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào TISCO, nhưng sau 3 năm hết kiên nhẫn, đã rút toàn bộ phần vốn này. Suốt thời gian qua, thỏa thuận với nhà thầu MCC vẫn chưa kết thúc do nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư.
Một phương án đã được đưa ra tại cuộc họp nói trên là bán toàn bộ phần vốn của VNSteel tại Dự án, đồng thời, chuyển trách nhiệm bảo lãnh liên quan đến các khoản vay nợ của TISCO sang nhà đầu tư mới. SCIC là đầu mối được giao xử lý việc thoái vốn này.
Bán vốn ở thời điểm vẫn còn vướng mắc với nhà thầu đồng nghĩa phải chấp nhận lợi ích thu về thấp hơn, theo một mức giá chiết khấu quyết định bởi cơ chế thị trường. Hơn nữa, không chỉ là câu chuyện về giá, bài toán bán vốn tại dự án của TISCO còn cần nhà đầu tư có năng lực tài chính để có thể chạy đường dài.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, ngoài 65% vốn do VNSteel nắm giữ, TISCO còn có một cổ đông tư nhân chiến lược là Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng (sở hữu 20% vốn). Quy mô tài sản của Thái Hưng đến cuối năm 2019 xấp xỉ 7.456 tỷ đồng, nhưng tới hơn 75% từ nguồn vốn vay.
Dù từng mua lại nhiều doanh nghiệp thép, nhưng các thương vụ trước đây cho thấy, Thái Hưng không hẳn là một nhà đầu tư “mát tay”. Thái Hưng từng trúng đấu giá tài sản của Nhà máy Cán thép Gia Sàng, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở; mua lại trên 50% vốn của Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VISCO), sau đó bán phần lớn vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản.