Y tế - Sức khỏe
Đủ chế tài để xử phạt các hành vi vi phạm về thuốc lá thế hệ mới
D.Ngân - 26/12/2024 09:48
Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá mới và các chất gây nghiện.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, mặc dù Chính phủ chưa ban hành kế hoạch triển khai việc cấm thuốc lá mới, nhưng căn cứ vào các quy định hiện hành, đã có đủ chế tài để xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất và sử dụng thuốc lá mới, vì đây là hàng cấm.

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, hiện đã đủ chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc lá mới

Cụ thể, Điều 190 Bộ Luật Hình sự quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, với mức phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Điều 191 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, với mức phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá mới, Luật Đầu tư đã quy định rõ về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hàng cấm.

Cũng theo bà Thu Thủy, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy... cũng có quy định xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy từ 1 đến 2 triệu đồng.

Về định hướng thực hiện Nghị quyết cấm thuốc lá mới của Quốc hội, bà Thu Thủy cho biết Bộ Y tế đang xin ý kiến Chính phủ về hai nội dung quan trọng.

Thứ nhất, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội, liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và các loại khí, chất gây nghiện, gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Kế hoạch này dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2025.

Thứ hai, Bộ Y tế sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự thủ tục rút gọn. Nghị định này sẽ bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá mới và các chất gây nghiện vào danh mục vi phạm cần xử lý.

Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá mới và các chất gây nghiện.

Các lực lượng công an sẽ chủ động triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm. Bộ Công Thương cũng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời tiếp nhận thuốc lá mới do người dân giao nộp trước ngày 1/1/2025 và tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Bộ Y tế cũng sẽ mở rộng các cơ sở cai nghiện, hỗ trợ kinh phí cai nghiện từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá mới.

Bộ Y tế kỳ vọng rằng với các biện pháp quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, việc thực thi Nghị quyết 173 sẽ giúp ngừng xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo một môi trường sống lành mạnh.

Theo các báo cáo và nghiên cứu quốc tế, thuốc lá điện tử không chỉ gây nghiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh về phổi, tim mạch và ung thư.

Mặc dù nhiều người cho rằng thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, nhưng các nghiên cứu cho thấy đây không phải là giải pháp thay thế an toàn.

Thậm chí, WHO đã cảnh báo thuốc lá điện tử có thể là "bước đầu tiên" dẫn đến việc sử dụng thuốc lá truyền thống, từ đó thúc đẩy sự phụ thuộc vào các chất gây nghiện.

Về phía tổ chức quốc tế, ThS.Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguồn cung và buôn bán thuốc lá điện tử, đặc biệt qua các kênh trực tuyến.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh việc cần thiết lập các mức phạt đủ mạnh để có tính răn đe và triển khai chiến dịch truyền thông quy mô lớn, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sản phẩm này.

Tin liên quan
Tin khác