Tài chính - Chứng khoán
Đủ chế tài quản lý thuế với thương mại điện tử
Mạnh bôn - 24/01/2021 09:38
Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không quá khó, vấn đề là phải có cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ.

Thông tin Cục Thuế Hà Nội thu được 123 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2020, cao gấp khoảng 5 lần năm 2019 cho thấy, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT không quá khó, vấn đề là phải có cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ.

Hiện Tổng cục Thuế chưa công bố cụ thể số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động TMĐT trong những năm vừa qua. Song với Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 tăng 25 - 30%, hàng loạt sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… không ngừng mở rộng quy mộ, giao dịch thương mại hàng hóa, dịch vụ dựa trên các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube... phát triển ngoài tầm kiểm soát, thì doanh thu từ hoạt động TMĐT chắc chắn vô cùng lớn.

Số liệu ước tính của một số tổ chức quốc tế còn cho rằng, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 vào khoảng 11,5 tỷ USD và trên 15 tỷ USD trong năm 2020.

Với quy mô thị trường Việt Nam lên tới 15 tỷ USD, nhưng Hà Nội - trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước chỉ thu được 123 tỷ đồng tiền thuế năm 2020, còn thu ngân sách từ hoạt động TMĐT tại các địa phương khác trong cả nước (trừ TP.HCM) vô cùng ít đã cho thấy, thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh này lớn thế nào.

Sở dĩ ngân sách nhà nước thất thu từ hoạt động TMĐT, theo nhận định của Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) Trương Hòa Bình, là do hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Ngoài ra, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Kỳ vọng tình hình sẽ thay đổi từ năm nay, khi công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được luật hóa tại Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019 được thực thi.

Các quy định mới vừa có hiệu lực đã cụ thể hóa trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dung cho cơ quan quản lý thuế. Đặc biệt, từ năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thiết lập cơ chế quản lý, giám sát giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam...

Trước đó, vào tháng 10/2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng ban hành Kế hoạch hành động nhằm chỉnh đốn lại hoạt động TMĐT, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Cụ thể, Tổng cục Thuế phối hợp với các lực lượng chức năng, công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT. Ngoài ra, cần có biện pháp truy thu thuế đối với tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan  khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để xử lý kịp thời. Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT; trì hoãn giao dịch hoặc phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc thanh toán, chuyển tiền theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…

TMĐT là xu hướng tất yếu trong Cuộc cách mạng 4.0 và Việt Nam không thể đứng ngoài sự phát triển này. Rất nhiều người đã và đang tạo ra thu nhập chính đáng từ bán hàng qua mạng. Trong thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do đại dịch Covid-19, hàng trăm ngàn gia đình vẫn duy trì được cuộc sống nhờ thu nhập từ hoạt động bán hàng online.

Không thể phủ nhận các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, song cũng không thể phủ nhận nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Quá trình thực thi và giám sát chặt việc tuân thủ các quy định mới từ năm 2021 không chỉ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn góp phần tăng thu, giúp ngân sách nhà nước có thêm điều kiện thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế; hỗ trợ tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tin liên quan
Tin khác