Ngân hàng - Bảo hiểm
Dư địa để tăng trưởng tín dụng quý IV còn khá lớn
Thùy Vinh - 26/10/2017 08:13
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% sẽ là điều kiện tốt cho ngân hàng mở rộng cho vay trong mùa cao điểm cuối năm. Song theo đánh giá của giới phân tích kinh tế - tài chính, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu…
TIN LIÊN QUAN

Dư địa còn nhiều

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9/2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. 

Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8/2017 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với thời điểm 31/12/2016. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực để GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

.

Với mức tín dụng như trên, không ít ý kiến cho rằng, mục tiêu 21% tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng năm nay không khó để đạt được. Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, dư địa để tăng trưởng tín dụng trong quý IV còn khá lớn, vì 3 quý đầu năm, ngành ngân hàng mới sử dụng hết hơn 12% room tín dụng.

Nếu tín dụng đạt được mức tăng trưởng 18% như ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay cũng đã tốt, chưa kể đến việc tăng thêm 2% room tín dụng. Đơn cử tại TP.HCM, nếu tín dụng đạt mức tăng trưởng 18%, thì từ nay đến cuối năm, có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay. Vấn đề còn lại là nền kinh tế có hấp thu được vốn hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 9/2017 đạt trên 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so cuối năm 2016 và tăng 19,58% so với cùng kỳ năm 2017. Mức tăng trưởng tín dụng này cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước gần 3%. Tuy nhiên, dư địa còn lại cho quý cuối năm vẫn rất lớn, nhất là khi room tín dụng được nới thêm 2%.

Có đạt mục tiêu 21%?

Không ít ý kiến cho rằng, tính đến cuối tháng 9/2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dù cao hơn cùng kỳ các năm trước, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra thì vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực để GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khó đạt mức tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2017. Chính sự thiếu hụt nguồn cung về vốn vay (thông qua huy động) có thể tiếp tục đặt ra rào cản cho chính sách tiền tệ của NHNN trong quý cuối năm 2017. Cụ thể, chính sách hạ lãi suất có thể tăng mức tín dụng, nhưng lại khó huy động nguồn tiền gửi.

Mục tiêu tín dụng được nới thêm 2% là tạo điều kiện ngân hàng có thêm dư địa cho vay, nhất là khi dư nợ dần cải thiện. Nhưng TS. Trần Du Lịch cho rằng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất cao dẫn tới hạn chế đầu tư trung và dài hạn, do ngân hàng chưa yên tâm “chọn mặt gửi vàng” để cho vay. Mặt khác, việc đẩy mục tiêu tín dụng lên cao khó ngăn dòng vốn chảy vào bất động sản, khiến rủi ro gia tăng và nếu không kiểm soát chặt, sẽ tái diễn nợ xấu cao. 

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, không khó để đạt được mục tiêu tín dụng 21%, nhưng cần lưu ý, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt là nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kinh tế kém hiệu quả, phi sản xuất.

Tin liên quan
Tin khác