Chuyển động thị trường
Dự đoán thời điểm giá bất động sản đạt đỉnh mới
Minh Nhung - 13/08/2020 10:05
Nếu theo chu kỳ tăng giá bất động sản trong 30 năm qua, thì giá địa ốc có thể đạt đỉnh mới vào khoảng năm 2022.
.

Nhiều dự đoán khác nhau

Loạt dự đoán thứ nhất cho rằng, giá bất động sản sẽ tăng trong 5 tháng cuối năm nay và sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2021. Các dự đoán này căn cứ vào một số yếu tố tác động trong thời gian tới, như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ gia tăng (do có sự chuyển dịch đầu tư sang các nước Đông Nam Á; Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do; vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 được dồn cho năm 2020 khá lớn; việc nới lỏng tiền tệ sẽ làm lạm phát có xu hướng trong, nên bất động sản là một lựa chọn để đầu tư).

Loạt dự đoán thứ hai nhận định, giá bất động sản có thể tăng ở một số khu vực (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…), ở một số sản phẩm (như đất nền), nhưng nhìn tổng thể, vẫn đang trong xu hướng giảm, ngược chiều so với tốc độ tăng “phi mã” của giá vàng.

Loạt dự đoán thứ ba (trong đó có dự báo của người viết) có sự khác biệt với 2 dự đoán trên, đánh giá căn cứ vào chu kỳ tăng của bất động sản.

Chu kỳ tăng và dự đoán giá bất động sản

Thị trường 30 năm qua cho thấy, giá bất động sản đã đạt “đỉnh” vào 4 năm.

“Đỉnh” thứ nhất rơi vào năm 1994, khi đất nước cơ bản ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, “đỉnh” giá bất động sản đến sau “đỉnh” giá vàng khoảng 3 năm (năm 1991).

Giá bất động sản sẽ lên “đỉnh” vào khoảng năm 2022, khi giá vàng vượt qua đỉnh mới, khi đầu tư trong nước tăng mạnh...

“Đỉnh” thứ hai rơi vào năm 2001, khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương, sau khi bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực (1997 - 1998).

“Đỉnh” thứ ba rơi vào năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục về vốn đăng ký (71,73 tỷ USD) và FDI thực hiện (11,5 tỷ USD).

“Đỉnh” thứ tư rơi vào năm 2014, khi giá vàng năm 2013 đã giảm sâu (24,46%), sau khi tăng rất cao trong 10 năm trước đó (2002 - 2011).

Có thể thấy, thời gian đạt “đỉnh” thường sau khoảng 7 năm (1994, 2001, 2008, 2015) kể từ đỉnh cũ và thường được lập sau những sự kiện biến động.

Từ những đề cập trên, người viết cho rằng, giá bất động sản trong năm nay chưa thể lên “đỉnh”. Lý do là, 7 tháng đầu năm, giá bất động sản vẫn giảm 0,87%, trong khi giá USD tăng 0,24%, giá vàng tăng 21%. Thị trường vàng đang hút vốn từ các thị trường khác, nhất là các thị trường đang bị lỗ hoặc lãi ít (thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…). Giá vàng đang được nhiều người dự đoán sẽ còn tăng. Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng tính theo giá thực tế chỉ tăng 3,4%, nếu loại trừ yếu tố giá thì không tăng, thậm chí giảm; thương mại bán lẻ tính theo giá thực tế giảm 0,4%...

Từ các vấn đề trên, có thể dự báo, giá bất động sản năm nay chưa thể đạt “đỉnh” như loạt dự báo thứ nhất, song nhiều khả năng cũng không tiếp tục giảm như loại dự báo thứ hai, mà tăng nhẹ, nhất là tại các tỉnh phía Nam, các vùng có dự án đầu tư lớn của Nhà nước, của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tác giả bài viết cho rằng, giá bất động sản sẽ lên “đỉnh” vào khoảng năm 2022, khi giá vàng vượt qua đỉnh mới, khi đầu tư trong nước tăng mạnh thông qua khởi nghiệp, mở rộng sản xuất - kinh doanh, làn sóng FDI mới…

Tin liên quan
Tin khác