Tiêu dùng
Du hành ngày Xuân: Những điểm đến tâm linh tại Hải Phòng
Thanh Sơn - 14/02/2016 07:05
Đã từ lâu, thành phố Hải Phòng luôn được coi là mảnh đất linh thiêng với những ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm, những điểm du lịch tâm linh độc đáo và ý nghĩa. Đầu năm đi lễ cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thành phố Cảng và du khách mỗi dịp Tết đến, xuân sang.

Khi nói đến Hải Phòng, hầu như ai cũng luôn nhắc đến Nữ tướng Lê Chân, người đã lập nên ấp An Biên – chính là Hải Phòng bây giờ. Sau thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới, hàng nghìn người dân TP Hải Phòng đổ về đền Nghè - di tích lịch sử thờ nữ tướng Lê Chân - một nữ tướng tài ba, anh dũng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, để mong ước nhiều điều tốt lành cho bản thân và gia đình trong mùa xuân mới.

Đền Nghè tọa lạc tại một con đường nhỏ thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, là di tích lịch sử cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1975. Đền Nghè hiện nay vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX bao gồm: nghi môn, tòa tiền bái, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nhà tứ phủ, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá.

Chùa Dư Hàng.

Tòa tiền bái gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 24 cột lim, kê trên 24 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà tiền đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Hậu cung gồm 3 gian, xây cao hơn nhà bái đường với thiết kế kiểu 2 tầng mái. Nét đặc sắc của kiến trúc Đền Nghè là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá với long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai... cực kỳ tinh xảo. Hiện nay, Đền Nghè còn bảo tồn được nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá rất có giá trị. Điển hình là tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của Nữ tướng Lê Chân. Tại hậu cung, tượng Nữ tướng tọa trên ngai thờ, đặt trong một khám lớn sơn son, thếp vàng với dáng vẻ uy nghi, đôn hậu. Hội Đền Nghè được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo khách đến tham quan du lịch, tưởng niệm Nữ tướng Lê Chân. Chị Mai (34 tuổi, quận Ngô Quyền) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều tới đây thắp hương vào mùng 1 Tết, cầu chúc cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn tiến bộ hơn những năm trước và cầu cho các con chăm ngoan học giỏi".

Trong sự phát triển của du lịch Hải Phòng, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh là rất lớn và được chú trọng khai thác, trong đó chùa Dư Hàng là một trong những điểm đến trong tour du lịch nội thành. Chùa Dư Hàng với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trường tồn cùng thời gian đã làm nên sức hấp dẫn của một điểm du lịch văn hóa tâm linh ở thành phố Cảng. Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự) được xây dựng từ thời Tiền Lê (980-1009), được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1986. Du khách tới đây tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa có nguồn gốc hàng nghìn năm với nhiều giá trị về kiến trúc và văn hóa gắn với truyền thống đạo Phật của người phương Đông.

Chùa Dư Hàng có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp. Qua tam quan chùa sẽ tới tòa Phật điện 7 gian với những hàng cột lim lớn đã ngả màu. Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thếp vàng rực rỡ. Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây... gửi gắm ước muốn “mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt” của người dân. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị với tạo hình chuẩn xác và kỹ thuật tinh xảo như:  bộ Tam thế, tòa Cửu long - Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ... Gặp bà Anh (76 tuổi ở quận Lê Chân) dắt đứa cháu nội 8 tuổi của mình đến ngôi chùa khá nổi tiếng này, cho hay, năm nào cũng vậy, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để bà cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới.

Từ Nhà hát lớn xuôi theo con đường Cầu Đất đến Lê Lợi rồi ra Lê Lai là ngôi Chùa Đỏ (Linh Độ Tự), một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất thành phố Hoa phượng đỏ. Mặc dù được bao bọc trong khu dân cư, nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Lê Lai, quận Ngô Quyền nhưng đây vẫn là địa chỉ quen thuộc với người dân Hải Phòng đến cầu tài lộc, cầu may mắn. Một trong những điểm “hút” khách nhất của Chùa Đỏ chính là kiến trúc độc đáo chưa từng có trong lịch sử kiến trúc chùa chiền Việt Nam. Chùa cao 26m cùng kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái, mối liên hệ giữa Tiền đường - Trung đường và Hậu cung đã xử lí hai mái giao nhau, tạo ra sự hòa quyện giữa các khu, liên kết khéo léo các khu lại tạo ra hình khối liên kết nguy nga, hoành tráng... Trên mái tiền đường được thiết kế một tháp 7 tầng.

Ở trung tâm hậu cung tôn trí pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 5,5m được tạc bằng 20 mét khối gỗ mít thành phẩm, được ghép từ 400 mảnh gỗ và liên kết với nhau bằng 700 cái chốt gỗ lim. Bệ toà sen cao 2,9m, gồm 500 cánh sen sơn son thiếp vàng chạm khắc những hoa văn thời Trần, phía sau là Vạn Phật thành cao 11m gồm những lá bồ đề ghép lại với nhau, tượng trưng cho Pháp giới vô biên màu nhiệm. "Tôi đã sang Việt Nam ăn tết được 2 năm và tôi thấy đất nước Việt Nam của các bạn có một phong tục là đi lễ đầu năm, trẩy hội đầu xuân để cầu may cầu mắn cho đất nước thịnh vượng. Nét đẹp của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng này thì mong rằng tất cả những người ít tuổi hơn, thế hệ sau này gìn giữ được cái phong tục của Việt Nam. Đây là nét phong tục( đi lễ chùa đầu năm) không thể thiếu được trong cuộc sống". Một du khách người Australia khi đi tham quan chùa Đỏ chia sẻ.

Đặc biệt, vào cuối năm vừa qua, Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của thành phố Hoa phượng đỏ, sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Loại hình du lịch tâm linh độc đáo và đầy ý nghĩa này đã góp phần làm tăng tổng lượng khách du lịch đến với Hải Phòng trong năm 2015 vừa qua với 5,59 triệu lượt khách, tăng 5,75% so với cùng kỳ, đạt 101,64% kế hoạch. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 624,7 nghìn lượt khách, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2014.

Đền Nghè.
Chùa Dư Hàng.
.
.
Chùa Đỏ.
Nữ tướng Lê Chân.
Tin liên quan
Tin khác