Theo Bộ Tài chính, xe ô tô điện đang trở thành sự lựa chọn có nhiều ưu thế để thay cho xe sử dụng động cơ đốt trong. Ở nhiều nước trên thế giới, dòng xe ô tô điện chạy pin (BEV) được coi là giai pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí từ phát thải phương tiện giao thông và lợi thế lớn trong đô thị.
Cụ thể Bộ Tài chính cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, bên cạnh các dòng xe vừa chạy xăng kết hợp với năng lượng điện gồm HEV (Hybrid Electric Vehicle- dùng động cơ đốt trong, sử dụng nhiên liệu là xăng hoặc dầu diesel. Động năng dư thừa trong quá trình giảm tốc, phanh, xuống dốc sẽ được chuyển hóa thành điện năng cho xe sử dụng); PHEV (Plug in Hybrid Electric Vehicle - chạy bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài, có tích hợp động cơ đốt trong để sử dụng trong trường hợp nguồn điện trên xe suy giảm) và FCEV (Fuel Cell Electric Vehicle - xe sử dụng khí hydro từ bình nén trộn với oxy lấy từ không khí để tạo ra điện để chạy xe), hiện có loại xe ô tô điện chạy pin BEV (Battery power Elelctric Vehicle - xe thuần điện, chạy hoàn toàn bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài).
Audi e-tron đã xuât hiện tại Việt Nam |
Hai loại HEV và PHEV di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, song song tận dùng các lợi ích từ cụm truyền động điện gồm một mô tơ điện với pin. BEV thì có cấu tạo tối giản, chạy quãng ngắn, có thể tiêu cần nguồn điện ở mọi nơi, có lợi thế lớn trong đô thị. Với xe FCEV thì dù có ưu thế so với BEV khi thời gian sạc ngắn, tuy nhiên việc sản sinh ra nước khiến xe điện sử dụng nhiên liệu hydro chỉ phù hợp với các quốc đảo, các khu vực khô cằn, không phù hợp với các đô thị lớn.
Ba loại xe HEV, PHEV và FCEV đều dùng xăng, khí nên gây ảnh hưởng đến môi trường hơn BEV.
Để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng BEV, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và căn cứ vào ưu điểm vượt trội của xe BEV, Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất có những ưu đãi mới cho dòng xe này.
Theo đó, ưu đãi liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy phải trình Quốc Hội sửa đổi Luật thuế TTĐB.
Đối với lệ phí trước bạ thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên khi có cần thay đổi sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/20216/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ.
Bộ Công thương, Trường đại học Bách Khoa đã có những dự án hợp tác để nghiên cứu về hoạt động của HEV tại Việt Nam |
Đại Hiện, xe ô tô điện chở người dưới 9 chỗ được áp dụng thuế suất thuế TTĐB là 15% (tức là giảm 10% so với xe cùng loại nhưng dùng nhiên liệu xăng dầu theo quy định của Luật số 70/2014/QH13); loại từ 10-16 chỗ ngồi được áp thuế suất 10% (giảm 5% so với xe cùng loại chạy xăng dầu) và loại từ 16 đến dưới 24 chỗ được áp thuế suất 5% (giảm 5% so với xe cùng loại chạy xăng dầu).
Tại Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 cũng quy định thuế suất thuế TTĐB với xe thân thiện môi trường chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng xe sử dụng thì được hưởng mức thuế suất bằng 70% cho xe có dung tích cùng loại.
Với ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, mức thuế suất thuế TTĐB chỉ còn 50% so với xe có cùng dùng tích chủng loại.
Ở câu chuyện lệ phí trước bạ, hiện cũng chưa có chính sách nào áp dụng cho các dòng xe thân thiện với môi trường trừ xe duy nhất xe bus chở khách công cộng là được miễn mức lệ phí này.
Tại Thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây liên quan đến kiến nghị về chính sách khuyến khích sản xuất, kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện môi trường, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe điện hoá được đăng ký ở Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn, mới chỉ luỹ kế được hơn 1.000 chiếc tính tới hết năm 2020. Trong đó xe BEV chỉ chiếm khoảng 1%, còn lại là HEV và PHEV.