Du lịch ảo là giải pháp tối ưu để thỏa đam mê khám phá cho du khách trong bối cảnh Covid-19 chưa được khống chế |
Đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh
Du lịch để khám phá những vùng đất mới là nhu cầu tất yếu của nhiều người. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 trên toàn cầu đến nay khiến người dân buộc phải kìm nén nhu cầu. Hiểu được tâm lý đó, nhiều công ty du lịch đã nhanh nhạy kiến tạo các tour du lịch ảo để thỏa niềm đam mê bay nhảy cho du khách.
Doanh nghiệp du lịch nên từng bước thực hiện chuyển đổi số
Cùng với phát triển thanh toán số, loại hình trả góp du lịch trong tương lai sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Khi du lịch chưa thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường, các doanh nghiệp du lịch có thể tập trung vào việc cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải duy trì hệ thống, giữ lực lượng nòng cốt để có thể sớm quy tụ guồng máy hậu Covid-19.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Khi tham gia tour du lịch ảo khám phá thành phố cổ Bagan của Công ty Exploration Travel (Myanmar), du khách sẽ được trang bị các phương tiện kỹ thuật cần thiết. Sau đó, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu, đưa du khách khám phá thành phố cổ Bagan với những điểm đến đặc sắc nhất trong 45 phút qua ứng dụng Zoom và trả lời tất cả câu hỏi, thắc mắc của người tham gia. Tour này có giá 50 USD cho nhóm khách 10 người được cho là mức chi phí khá hợp lý.
Tại Indonesia, chỉ với 2 USD, du khách có thể tham gia tour du lịch ảo qua Zoom để khám phá các di tích lịch sử trong TP. Semarang, quần thể đền Candi cổ kính hay du lịch ảo dưới biển, khám phá thế giới dưới nước tại đảo Komodo.
Theo Giám đốc điều hành Exploration Travel, ông Edwin Briels, du lịch ảo tạo ra sự khác biệt vượt trội với công nghệ tiên phong và mang lại hiệu quả tích cực. Một trong những yếu tố khác biệt giữa du lịch ảo và du lịch thật chính là chi phí. Du lịch ảo chỉ tốn khoảng 10% mức chi phí so với du lịch thông thường. Ngoài ra, “du khách” cũng không phải chen chúc, chờ đợi ở sân bay, tránh nguy cơ gặp rủi ro trên đường đi... Đây là giải pháp tối ưu để thỏa đam mê khám phá cho du khách trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế.
Bên cạnh đó, tour du lịch ảo cũng rất lý tưởng đối với những ai không thể đi du lịch do sức khỏe, hay hạn chế tài chính hoặc muốn đến thăm các khu vực bị hạn chế đối với khách nước ngoài.
Mặc dù thừa nhận chuyến du lịch ảo sẽ không giống tham quan thực tế, mà chỉ là giải pháp tình thế khi Covid-19 chưa được đẩy lùi, song ông Edwin Briels cho rằng, trong bối cảnh các công ty cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cải tiến quản lý, vận hành, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho du khách là việc phải làm để tạo lợi thế cạnh tranh giữa các công ty, các quốc gia. Ứng dụng công nghệ mới chính là “đòn bẩy” giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra hiệu quả nhanh nhất.
Thanh toán số sẽ ngày càng phổ biến
Du khách thường tham khảo trải nghiệm, giá tiền khi lựa chọn điểm đến. Bởi thế, đơn vị nào tạo sự tiện lợi, kết nối nhanh chóng với khách hàng sẽ chiếm được ưu thế. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu, loại hình du lịch thanh toán trả góp đang là một phương án mới cho những tín đồ đam mê bay nhảy.
Mua tour trả góp lãi suất 0% hay hoàn tiền lên đến 2 triệu đồng… là những chương trình trả góp, hỗ trợ tài chính được một số công ty du lịch tung ra gần đây nhằm kích thích nhu cầu đi du lịch. Loại hình thanh toán mới mẻ này bước đầu đã khởi sắc tại Việt Nam.
Bà Lưu Thùy Dung, Phó phòng Du lịch (Vietravel chi nhánh Hà Nội) cho biết: “Vietravel đạt tăng trưởng khoảng 20% nhờ lượng khách sử dụng thẻ. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục kết hợp với các đối tác tài chính để ngay cả những khách hàng không sở hữu thẻ tín dụng cũng có thể mua tour trả góp”.
Cụ thể, sau thời gian áp dụng thanh toán trả góp cho tour khách lẻ, sắp tới, Vietravel sẽ triển khai dịch vụ trả góp cho những đoàn lớn hay du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo).
Chia sẻ về lợi ích của việc mua tour trả góp, đặc biệt là với đoàn khách đông, bà Trần Hồ Vân, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Wow Holiday cho rằng: “Loại hình mua tour trả góp rất phù hợp cho những du khách không thường xuyên để dành tiền. Còn với sự kiện của những công ty lớn, hình thức trả góp sẽ giúp khách hàng có thể tái đầu tư một khoản tiền lớn vào hoạt động kinh doanh”.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 20 ngân hàng hỗ trợ thanh toán trả góp du lịch qua thẻ tín dụng, với những thỏa thuận cụ thể với từng đối tác. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chưa nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội áp dụng hình thức thanh toán trả góp cho dịch vụ du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam lý giải, nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa đạt được sự thống nhất cao với các ngân hàng, tổ chức tài chính để đảm bảo an toàn cho cả người cho vay và người cung cấp dịch vụ. Trong khi, công ty du lịch lại phải thực hiện đầy đủ những cam kết của mình với khách và ngân hàng, nên có thể gặp nhiều rủi ro.
Để hoạt động kinh doanh du lịch sớm phục hồi, ông Bình cho rằng, việc tuyên truyền những yếu tố tích cực để góp phần giảm sự e ngại đi du lịch của người dân là rất quan trọng. “Trước mắt, thị trường du lịch nội địa vẫn là ‘cứu cánh’. Do đó, sắp tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa nhằm phát triển chương trình kích cầu du lịch với sự kết hợp của tất cả các dịch vụ để thu hút du khách”, ông Bình cho hay.
Doanh nghiệp và khách hàng đều hưởng lợi ích
Nhờ chuyển đổi số, vận hành hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến, Phong Nha Explorer đã giảm được nhiều chi phí về trụ sở, nhân viên, công tác văn phòng, thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm. Đặc biệt, trang web của Công ty được xây dựng thân thiện, giàu tính tương tác nên thu hút đông đảo khách hàng, giúp họ dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tour một cách đơn giản nhất. Bởi thế, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng nhiều lợi ích.
Ông Từ Thanh Hải, Giám đốc Phong Nha Explorer