Khu Nam phương Linh từ, nằm trong Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những điểm thu hút khách du lịch. |
Đây là hoạt động thường niên mở màn cho các sự kiện, lễ hội chào năm mới - vui Xuân, đón Tết cổ truyền của người dân Đồng Tháp; đồng thời, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Tháp, tạo điểm nhấn thu hút nhà đầu tư và du khách.
Trong khuôn khổ sự kiện này, Ban Tổ chức Lễ hội đã trao Kỷ lục Việt Nam cho Chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam và Khánh thành đường Hùng Cường (ĐH 69), tuyến đường kết nối giao thông nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lấp Vò.
Các hoạt động trong khung khổ Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp sẽ làm sống lại những hình ảnh về một thuở cha ông đi mở cõi trên vùng đất phương Nam, tuy gian truân, nhưng đầy hào sảng, được lưu truyền qua bao thế hệ và là nguồn cảm hứng cho con cháu muôn đời sau.
Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp hứa hẹn một lễ hội đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng về hình ảnh và con người Đồng Tháp, là cơ hội tốt để thương hiệu du lịch Đồng Tháp được quảng bá rộng rãi đến với du khách trong và ngoài nước nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Những kết quả khởi sắc
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, ngành du lịch Đồng Tháp đã đạt được những bước phát triển mới. Một số dự án đầu tư hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm theo Đề án đã hoàn chỉnh giai đoạn đầu và đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Công tác chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo cảnh quan, phủ xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường được thực hiện tốt. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Các doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, góp phần đưa ngành du lịch Đồng Tháp đạt mức trưởng khá và xây dựng thành công thương hiệu du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”.
Thực hiện chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch Đồng Tháp tạo điểm nhấn với việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh; tích cực tuyên truyền và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Đặc biệt, ngành du lịch Đồng Tháp chủ trương tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch đến du khách trong và ngoài nước thông qua các sự kiện Hội chợ Du lịch trên cả nước, tạo được sự đồng thuận về chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch của địa phương và đang tích cực triển khai thực hiện.
Tăng cường nhân lực, hoàn thiện hạ tầng
Công tác đào tạo nhân lực du lịch của Đồng Tháp, một thời được đánh giá là thiếu và yếu, nay được quan tâm, chú trọng hơn. Ngành du lịch Đồng Tháp thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ lễ tân, thuyết minh viên, kỹ năng giao tiếp; bồi dưỡng nghiệp vụ trên phương tiện thủy nội địa; xây dựng tour mẫu; tập huấn kiến thức về phát triển du lịch có trách nhiệm; tập huấn kiến thức cơ bản về đón tiếp, phục vụ khách du lịch cho các hộ kinh doanh du lịch tại một số địa phương, giúp các hộ dân hiểu sâu sắc cách làm du lịch cộng đồng…
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, tỉnh Đồng Tháp đã linh hoạt và tận dụng các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch. Đến nay, các tuyến đường dẫn đến những điểm tham quan du lịch trọng yếu của tỉnh như Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc và Khu Du lịch văn hóa Phương Nam… đều đã thông suốt. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng mặt đường và nâng tải trọng cầu, đảm bảo xe trên 30 chỗ vào tận khu, điểm du lịch.
Về hạ tầng du lịch, Đồng Tháp đang tích cực tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình đã được nêu trong Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 4/6/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 và Kết luận số 24-KL/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh uỷ Đồng Tháp về tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020.
Định vị bằng sản phẩm du lịch đặc trưng
Thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 2 mô hình du lịch homestay, 1 điểm vui chơi giải trí tại Làng hoa kiểng Sa Đéc; khai trương thêm 2 điểm tham quan vườn quýt, 1 cơ sở homestay Ngôi nhà Quýt ở huyện Lai Vung; khai trương các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu Văn hóa Phương Nam.
Các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, thay mới các trang thiết bị tiện nghi, khang trang, chất lượng để phục vụ khách du lịch.
Việc mở thêm các tuyến tham quan mới (theo mùa) như tuyến kênh nội đồng có hoa nhĩ cán tím và hoa hoàng đầu ấn tại Vườn quốc gia Tràm chim; tăng cường dịch vụ mới như tổ chức khu dạy nấu ăn cho du khách trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; xây dựng tour mẫu tại Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh… đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2018, du lịch Đồng Tháp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, cơ bản hoàn thành hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm theo tinh thần Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng hoàn chỉnh và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Cồn Phú Mỹ, Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít; hoàn chỉnh và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch homestay tại TP. Sa Đéc, Làng Hòa An xưa - Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
“Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng, thì chất lượng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Đồng Tháp đóng vai trò then chốt để thu hút và níu chân du khách”, ông Tuyên khẳng định.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân hoàn thiện sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại khu du lịch Đồng sen Tháp Mười; vườn quýt hồng, vườn xoài, vườn nhãn, cồn Tân Thuận Đông... Đồng thời, xây dựng tour, tuyến du lịch mới gắn với tham quan du lịch sinh thái nông nghiệp làng nghề: làng hoa kiểng Sa Đéc, làng nghề ghe xuồng và nem Lai Vung, Khu Du lịch văn hóa Phương Nam, Khu Du lịch cộng đồng ở xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh,…
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim và hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Đồng Tháp trong lòng du khách trong nước và quốc tế.