Câu chuyện thành công của nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc là ví dụ vô cùng thành công của mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản phẩm OCOP (One Commune - One Product, mỗi xã một sản phẩm).
“Với lịch sử hơn 200 năm, nước mắm truyền thống Phú Quốc là niềm tự hào và đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng đảo”, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn - công ty sản xuất nước mắm lớn nhất tại đảo Phú Quốc, được 28 quốc gia EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cho biết.
Bà Liên tiết lộ, trong 19 năm Công ty Khải Hoàn vừa kinh doanh nước mắm, vừa làm du lịch trên đảo, thương hiệu này chưa hề tốn kinh phí cho truyền thông. Thay vào đó, chính chất lượng sản phẩm và câu chuyện văn hóa bản địa trong hương vị nước mắm đã thu hút khách du lịch tới đảo Phú Quốc. Từ khi tiếp nhận chương trình OCOP, nước mắm Khải Hoàn đã trở thành đại diện của cộng đồng dân cư Phú Quốc, góp phần giữ gìn truyền thống địa phương.
Tuy nhiên, khi nước mắm Khải Hoàn nhận chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia vào tháng 7 vừa qua, bà nói rằng mình “mừng ít lo nhiều”, mừng vì sản phẩm được công nhận nhưng lo vì không biết có giữ gìn bền vững danh hiệu được không.
Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho rằng để phát triển bền vững mỗi sản phẩm OCOP phải gắn chặt với văn hóa bản địa từng vùng miền, từ đó mới tạo tiếng vang trong nước và thế giới.
“Nước mắm Phú Quốc, cũng như miền Trung, miền Bắc, được đặc trưng bởi thổ nhưỡng từng khu vực. Do đó, người làm nước mắm cần cảm nhận thổ nhưỡng nơi mình sống, đặt mình vào dòng chảy lịch sử để tiếp nối truyền thống nghề làm mắm của ông cha”, bà chia sẻ đầy tâm huyết.
Bên cạnh đó, đại diện công ty Khải Hoàn cũng nói rằng muốn phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP, cần có sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Bà đề nghị Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Những bất cập trong mô hình du lịch dựa trên sản phẩm OCOP
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đánh giá sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ” với nhau, khi sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cũng đồng ý với quan điểm rằng hơn 10.000 sản phẩm OCOP hiện nay là cơ sở để phát triển các tour tuyến du lịch nông thôn. Tuy nhiên, ông chỉ ra những bất cập khi xem xét trong mối quan hệ giữa OCOP và du lịch nông thôn.
Thứ nhất, sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều. “Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chúng ta đều thấy nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây”, ông Nghĩa nói.
Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy “hơi ngại” với khách hàng, và bản thân doanh nghiệp cũng phải đặt câu hỏi liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?
Do đó, ông Nghĩa cho rằng, cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương đó, tạo thuận lợi hơn phát triển du lịch nông thôn địa phương đó.
Bưởi da xanh trở thành sản phẩm OCOP của nhiều vùng, miền. |
Thứ hai, đối với sản phẩm OCOP mang tính thủ công nhiều hơn, nhưng khi sản xuất công nghiệp đại trà thì làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ như bánh pía Sóc Trăng có từ lâu đời, nhưng khi được sản xuất công nghiệp thì đang có mặt ở rất nhiều nơi, nhiều kênh phân phối khác nhau.
Từ thực tế đó, đại diện Saigon Asset cho rằng, bên cạnh việc đồng hành cùng công nghiệp phát triển nhân rộng sản phẩm OCOP cũng nên chú trọng đến giữ nguyên các nguyên liệu đặc thù, giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù riêng biệt cho nguyên địa phương đó.
Thứ ba, ông Nghĩa kể lại việc thiết kế các tour tuyến đã hợp tác với nhiều đơn vị sản xuất OCOP. Ban đầu, khi các đơn vị này chưa có thương hiệu, họ khá cởi mở khi hợp tác với công ty. Nhưng khi họ có thương hiệu rồi họ lại muốn tách ra hoặc phá vỡ hợp tác. Đây là yếu tố thiếu công bằng, vì vậy cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch nông thôn và các đơn vị địa phương.
Cuối cùng, ông nêu thực trạng một số công ty du lịch đang chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm OCOP ở địa phương, mà họ quan tâm nhiều hơn đến “hoa hồng” là bao nhiêu, dẫn đến mất niềm tin của khách sử dụng.
“Tôi hy vọng rằng, các đồng nghiệp của tôi quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn cẩn thận sản phẩm OCOP để phối hợp phát triển du lịch nông thôn. Và khi đã chọn lựa rồi, hãy đồng hành cùng họ để phát triển sản phẩm OCOP hơn nữa”, ông Nghĩa đề nghị.