Du lịch
Du lịch Hà Nội tìm giải pháp phục hồi, tăng tốc, phát triển hiệu quả
Nguyễn Linh - 09/09/2023 20:29
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Tọa đàm "Giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Cục Du lịch Việt Nam tổ chức.

Trải qua hơn 2 năm đóng băng do đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa, khôi phục ngành du lịch, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19. 

Đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự trở lại, khởi đầu cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Qua đó, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa.

Hiện nay, ngành du lịch cả nước đang nỗ lực triển khai 7 nhóm giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Thành phố đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động trên địa bàn, trong đó, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đã gây được chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch như tour: Du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học; Khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”,...

Mới đây, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng.

Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” do Tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.

Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch Thành phố hàng đầu châu Á. Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, mặc dù kinh tế thành phố Hà Nội phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19, song, phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận tích cực của doanh nghiệp, để từ đó có những đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa. 

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, lưu trú tập trung đóng góp nhiều ý kiến về cơ chế chính sách để du lịch hoạt động hiệu quả.

Trong đó, các đơn vị tập trung vào những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Các giải pháp phát triển kinh tế đêm cho Hà Nội; Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế sau khi chính sách visa mới có hiệu lực.

Góp ý những giải pháp thu hút khách trong thời gian tới cho du lịch Thủ đô, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, cần đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. 

Còn theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đề xuất, Hà Nội nên quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xúc tiến quảng bá tại các hội chợ, tổ chức nhiều hơn nữa các lớp đào tạo cho doanh nghiệp, tập trung các giải pháp phục hồi thị trường khách du lịch...

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch nước ta đã có sự phục hồi mạnh mẽ, trong đó, du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn, khách quốc tế đã có sự tăng trưởng. Theo ông, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước đã có sự phục hồi nhanh và sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Đánh giá cao vai trò của du lịch Hà Nội trong sự phát triển chung của ngành du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị, trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội. 

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Ngoài ra, ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch, tập trung thu hút đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch giai đoạn hậu Covid-19. 

Đồng thời, tăng cường công tác chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác