Du lịch nội địa luôn là thị trường lớn và là chủ đạo của ngành kinh tế xanh Việt Nam. |
Sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, hầu hết các khu, điểm du lịch trên cả nước đã mở cửa trở lại, điều này tác động thế nào đối với hoạt động của các hãng lữ hành, thưa ông?
Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, một số điểm đến trong nước đã đón khá đông du khách, tạo hiệu ứng tích cực, kích thích nhu cầu du lịch. Đặc biệt, hầu hết các khu, điểm du lịch đã hoạt động trở lại nên sau kỳ nghỉ, VietSense Travel đã lập tức có giao dịch với khách hàng. Đến thời điểm này, du lịch đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Thời gian qua và dự đoán trong mùa hè này, những điểm đến nào sẽ hút khách, thưa ông?
Từ cuối tháng 4/2020 đến nay, VietSense bán được nhiều tour đi Côn Đảo, Đông - Tây Bắc. Nhưng hiện xu hướng đã dịch chuyển sang các tour du lịch biển hè như Phú Quốc, Cô Tô, Đà Nẵng, Quy Nhơn.
Mặt khác, trước và trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, về cơ bản chỉ có khách lẻ hoặc khách gia đình, nhưng đến nay đã có khách đoàn của các tổ chức, cơ quan đặt tour. Mấy ngày gần đây, hầu như hôm nào chúng tôi cũng ký được hợp đồng với các công ty tổ chức đoàn lớn đặt cho tháng 6, tháng 7.
Trong bối cảnh miếng bánh du lịch nội địa ngày càng cạnh tranh khốc liệt, điều gì đã giúp VietSense Travel đón được cả khách lẻ và khách đoàn như vậy, thưa ông?
Hiện nay, VietSense Travel đang thực hiện nhiệm vụ kép, đó là đẩy mạnh quảng bá chương trình kích cầu giá siêu rẻ, thông tin an toàn điểm đến trên tất cả các kênh. Song song với đó, chúng tôi đã đẩy mạnh nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ ngay từ đầu năm để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Giai đoạn này, chúng tôi ý thức rất rõ, việc có được khách hàng đã là rất khó, nên bằng mọi giá, chúng tôi phải thỏa mãn nhu cầu của khách một cách tối đa để giữ khách cũng như lan tỏa thương hiệu. VietSense Travel đã đầu tư rất nhiều thời gian làm việc cụ thể, chi tiết với các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, vận chuyển đường bộ, khách sạn, nhà hàng và phối hợp với họ để làm sao có được mức giá tốt nhất, kích cầu thực sự, giá rẻ nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng.
Khâu sản xuất và tổ chức dịch vụ đảm bảo được nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hạ giá thành kết hợp quảng bá, marketting hiệu quả chính là bí quyết thành công của chúng tôi.
Du lịch nội địa đang được coi là “cứu cánh” duy nhất cho ngành kinh tế xanh. Vậy các bên cần làm gì để kích cầu hiệu quả trong trạng thái bình thường mới, thưa ông?
Nói du lịch nội địa ở thời điểm này là “cứu cánh” quả không sai. Nhưng thực tế, năm nào thời điểm này cũng đúng vào mùa cao điểm của du lịch nội địa. Mặt khác, chúng ta nhìn vào tỷ trọng của du lịch nội địa và hoạt động đón khách quốc tế sẽ thấy, lượng khách nội địa gấp khoảng 4 lần lượng khách quốc tế. Năm 2019, khách quốc tế đạt xấp xỉ 18 triệu lượt, nhưng khách nội địa đã vượt 80 triệu lượt.
Rõ ràng, từ trước đến nay, du lịch nội địa luôn là thị trường lớn và là chủ đạo của ngành kinh tế xanh Việt Nam. Do đó, không phải bây giờ, hay hậu Covid-19, mà chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng, du lịch nội địa vẫn là “xương sống” của toàn ngành. Thậm chí, trong 10 năm nữa, du lịch nội địa vẫn có tỷ trọng cao như hiện nay.
Chính vì thế, để duy trì và tiếp tục phát triển, công tác điều hành, quản trị, tổ chức cung cấp dịch vụ, quản lý điểm đến của các địa phương cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp nhất. Cần đảm bảo an ninh, an toàn; chi phí quản lý hợp lý; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tại điểm đến. Nếu làm tốt 3 điểm này, chắc chắn du khách nội địa và khách quốc tế sẽ yêu thích. Minh chứng là Đà Nẵng, khoảng 5-10 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng khách nội địa và quốc tế luôn đều và ấn tượng nhờ làm tốt những yếu tố trên.
Song song với đó, quan trọng nhất hiện nay là sau cú sốc do Covid-19, phải đảm bảo được tính an toàn. Mặt khác, cần làm tốt công tác truyền thông quảng bá về sự an toàn của các điểm đến. Đồng thời, phải đa dạng hóa dịch vụ để các “Thượng đế” lưu trú dài hơn và không bị nhàm chán. Tiếp theo, phải đảm bảo chất lượng và kiểm soát giá chặt chẽ, đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mỗi điểm du lịch.