Ảnh minh họa. |
Niềm tự hào của quê hương
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 5 nhiệm vụ chính gồm: nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mục tiêu đặt ra là đến hết giai đoạn 2021-2025, cả nước không chỉ có bao nhiêu xã nông thôn mới hay xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mà chúng ta còn tự hào là có bao nhiêu di sản nông thôn được hình thành, bảo tồn, phát triển và mời gọi du khách đến để giới thiệu, quảng bá về những di sản ấy.
“Thực tế, Chương trình du lịch nông thôn triển khai trên toàn quốc lần này là cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào của quê hương, xứ sở”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, ở các vùng miền, sản phẩm du lịch na ná nhau, nên có sự cạnh tranh trong chính nội vùng và không hấp dẫn du khách. Để khắc phục được điểm yếu này, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Mekong Rustic cho rằng: “Nhất định phải có quy hoạch chung của các vùng. Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long phải có quy hoạch cả vùng rồi mới làm quy hoạch từng tỉnh, theo thế mạnh. Tỉnh nào không có thế mạnh phát triển du lịch thì thôi, không nên cố. Nếu tỉnh nào cũng quy hoạch du lịch miệt vườn thì sẽ bị loãng và gây nhàm chán”.
Theo CEO Mekong Rustic, trên thế giới, loại hình du lịch nông thôn phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tại Mỹ, hàng năm thường tổ chức nhiều sự kiện lớn về du lịch nông nghiệp. Hiện nay, theo thống kê, mỗi năm người Mỹ chi khoảng 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại.
Tại Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp, dù lượng người làm nghề nông ở quốc gia này chỉ chiếm 3% dân số.
Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chủ yếu nhằm giúp nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại cho nông nghiệp Hàn Quốc những chức năng mới...
Ông Nguyễn Ngọc Bích rất tâm đắc với mô hình farmstay kết hợp homestay The Nakajimas của Nhật Bản, bởi nó tác động đến phát triển du lịch cộng đồng cũng như mang lại phát triển kinh tế địa phương bền vững. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm vùng nông thôn, sống với một gia đình người Nhật và thưởng thức các bữa ăn do người dân bản địa nấu tại nhà…
Tạo dựng cộng đồng du lịch có trách nhiệm
Để phát triển du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, CEO Mekong Rustic cho rằng, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch rất quan trọng. Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Các địa phương nên chọn những khu vực đa dạng về nông nghiệp, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, trong du lịch cộng đồng, người dân là trụ cột quan trọng.
“Phải làm sao để các hộ dân phát huy hết thế mạnh, chuẩn hóa dịch vụ là điều tôi luôn trăn trở. Việc đầu tiên cần làm là phải thay đổi tư duy của người dân về tài nguyên du lịch. Người dân vẫn nghĩ rằng cánh đồng lúa, vườn trái cây họ thấy hàng ngày quá đỗi bình thường. Họ không nhận ra những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt ấy lại mang ý nghĩa to lớn với du khách. Cho nên, giúp người dân nhận thấy tài nguyên nông nghiệp, văn hóa vốn có sẽ mang lại thu nhập bền vững thì họ sẵn sàng tham gia”, CEO Mekong Rustic nói.
Cùng với đó, ông Bích cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch cần phải hướng dẫn người dân đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng, nâng cấp chất lượng dịch vụ của địa phương, cải thiện hạ tầng và kỹ năng làm du lịch để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả ngày càng cao của du khách theo hướng cá nhân hóa, ăn nông sản hữu cơ, ở tiện nghi.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch nông thôn như: Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách hàng.