Dịch vụ du thuyền cao cấp phục vụ khách tham quan trên vịnh Hạ Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép hoạt động thí điểm . |
Suy giảm sâu hơn mức dự báo
Dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chủ động ứng phó, ngày 3/3/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020. Ngay sau khi kịch bản này được ban hành, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để bàn về việc xây dựng các gói kích cầu.
Tuy nhiên, đêm ngày 6/3, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của Hà Nội (ca thứ 17 của cả nước sau gần một tháng không có ca mắc mới) cùng những diễn biến phức tạp của Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch gần như phải dừng lại.
Từ ngày 12/3, Quảng Ninh tạm dừng đón khách tham quan, du lịch vịnh Hạ Long, Yên Tử, Cô Tô và các điểm vui chơi, thắng cảnh, di tích khác trên địa bàn tỉnh. Việc tạm dừng này rất có thể còn kéo dài thêm, nếu tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội sau ngày 15/4.
Tính chung trong quý I/2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh chỉ đạt trên 1,5 triệu lượt, giảm 64% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 0,4 triệu lượt, giảm 63%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.751 tỷ đồng, giảm 62%. Mức sụt giảm này lớn hơn cả dự báo được tỉnh Quảng Ninh đưa ra trong Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 tại Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 28/2/2020.
Sẵn sàng kế hoạch hành động
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Sun Group Khu vực Đông Bắc chia sẻ, Covid-19 khiến nền kinh tế nhiều quốc gia và Việt Nam thiệt hại nặng nề, nên sau khi dập được dịch, việc đầu tiên là phải tập trung nguồn lực để khôi phục nền kinh tế. Dĩ nhiên, sau khi dịch bệnh được khống chế, người dân sẽ ưu tiên quay lại công việc thường ngày, thậm chí làm việc với năng suất cao hơn và tiếp tục hạn chế chi tiêu.
“Không nên quá kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Thành lưu ý.
Tuy nhiên, với những nỗ lực phòng chống dịch của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, ngành y tế, các bộ, ngành liên quan và người dân cả nước, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng, Việt Nam sẽ sớm công bố hết dịch... Trong trường hợp đó, ông Thành nhấn mạnh, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ phải tập trung vào thị trường trong nước. Vì vậy, việc cần làm nhất lúc này là hoàn thiện ngay các gói kích cầu du lịch với những sản phẩm có giá thành phù hợp, chú trọng xúc tiến du lịch nội địa tại các thị trường miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã bàn bạc để xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch với cam kết giảm giá dịch vụ, song việc hỗ trợ phí tham quan những điểm đến nổi tiếng như Yên Tử, vịnh Hạ Long vẫn chưa có quyết định giảm giá của cơ quan nhà nước. Hơn nữa, trong thời gian này, chính quyền địa phương đang dồn lực cho việc phòng chống dịch, nên gói kích cầu cũng chưa thể triển khai.
Tuy nhiên, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, du lịch Quảng Ninh hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Theo bà Lê Thị Nguyệt, phụ trách truyền thông và marketing Khánh sạn Wyndham Legend Hạ Long, để có được những gói kích cầu du lịch phù hợp, kịp thời tung ra ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, thì ngay lúc này, cần phải xác định rõ đối tượng khách hàng trọng tâm và sản phẩm trọng tâm. Theo đó, gói sản phẩm ngắn ngày cho những thị trường gần Quảng Ninh là phù hợp; giới thượng lưu và những người đã về hưu sẽ là những đối tượng khách hàng mà các công ty lữ hành cần hướng tới nhiều hơn.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn
Thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã chú trọng mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế thông qua các cuộc xúc tiến du lịch, nhưng vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch xứng tầm.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp tại địa phương cần chung sức xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với yếu tố cảm xúc. Hình ảnh, thương hiệu du lịch đó phải chạm đến cảm xúc của du khách, thôi thúc họ đến với Quảng Ninh, như ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh từng chia sẻ.
Tiếp đó, Quảng Ninh cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm ra đặc trưng của các dòng khách để xây dựng những sản phẩm phù hợp.
Mặt khác, tại những khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh như Hạ Long, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hiện du khách đến Hạ Long chủ yếu chỉ có lựa chọn đi biển. Kinh tế đêm chưa phát triển, khiến du khách không có nhiều lựa chọn các dịch vụ vui chơi, giải trí, rút ngắn thời gian lưu trú.
Muốn kinh tế đêm phát triển, thì các lĩnh vực thương mại như sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, đơn cử như các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Vậy nên, ông Thành cho rằng, “đây chính là thời điểm và cơ hội để tỉnh Quảng Ninh dành thời gian lập quy hoạch những loại hình sản phẩm, cũng như quy hoạch khu vực để phục vụ kinh tế đêm và có những giải pháp triển khai cụ thể”.
Được biết, Sun Group cũng đang trong quá trình triển khai Đồ án quy hoạch Tòa tháp Domino cao 99 tầng tại khu vực mặt biển đối diện quảng trường Sun World (Hạ Long). Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động kinh tế đêm như sự kiện âm nhạc quốc tế ngoài trời, trình chiếu ánh sáng, trung tâm mua sắm đẳng cấp quốc tế…
Trong khi đó, theo ông Thủy, để phát triển kinh tế đêm, không chỉ riêng ngành du lịch, dịch vụ (dù các ngành này chiếm tỷ trọng lớn), mà còn cần sự vào cuộc của nhiều ngành như giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, công nghiệp giải trí, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Như thế, mới tạo nên nền kinh tế đêm hoàn chỉnh.