Du lịch Trà Vinh mang đậm nét văn hóa đặc trưng
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, mục đích của chuyền khảo sát nhằm triển khai một số chương trình tham quan mẫu, từng bước khôi phục hoạt động du lịch tại tỉnh Trà Vinh trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới, tạo thêm nguồn lực mới cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Trà Vinh trong năm 2022.
Với sự hỗ trợ tích cực từ Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh, vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức chuyến khảo sát các điểm tham quan trong tỉnh Trà Vinh để giới thiệu với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, đơn vị truyền thông về các điểm đến an toàn và dịch vụ phục vụ du lịch tại Trà Vinh. Cùng tham gia với Đoàn còn có các chuyên gia đến từ các Trường Đại học chuyên nghiên cứu, đào tạo về du lịch tại TP.Hồ Chí Minh.
Thắng cảnh Ao Bà Om - TP. Trà Vinh |
Chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi, nhiều hoạt động trải nghiệm lý thú đã được Trà Vinh tổ chức như: Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải nghiệm làng nghề Bánh tét Trà Cuôn, tham quan Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, check-in cánh đồng điện gió Trà Vinh và Mô hình du lịch nông nghiệp “Làng hoa màu Khâu Lầu” tại Ba Động...
Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa du lịch Khmer như: giã cốm dẹp, múa truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân gian,… tại danh thắng Ao Bà Om. Tham quan Chùa Âng – trên một ngàn năm tuổi, bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer nơi tái hiện không gian sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của đồng bào Khmer nói chung và nghề truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng. Tham quan Mô hình du lịch cộng đồng tự thân Cồn Hô “Tour Đèn Dầu”.
Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: Thông qua chương trình này, Sở cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh và các đơn vị truyền thông có buổi Hội thảo trao đổi về các sản phẩm dịch vụ hiện tại của du lịch Trà Vinh cũng như những đề xuất và ý tưởng cho những sản phẩm mới trong tương lai của du lịch Trà Vinh theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy yếu tố văn hoá bản địa đặc trưng làm tiêu chí xây dựng sản phẩm mới. Đồng thời, chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm đảm bảo an toàn cho du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chất, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết, ông rất ấn tượng với sự quan tâm tích cực nhằm phục hồi các hoạt động du lịch Trà Vinh, vì trong gần 02 năm qua ngành du lịch cả nước nói chung gần như bị “đóng băng”, nhưng ngành du lịch ở Trà Vinh lại nổi lên như một hiện tượng, trước sự quan tâm hết sức đặc biệt của các cấp chính quyền và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh. Theo đó, ngành du lịch Trà Vinh liên tiếp cho ra đời các điểm du lịch mới, các sản phẩm du lịch hấp dẫn theo hướng dựa vào cộng đồng.
Chính quyền, ngành quản lý và cơ quan truyền thông cần phối hợp, mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến du khách theo nhiều kênh thông tin. Trong đó vấn đề test Covid-19 và thực hiện thông điệp 5K cho du khách trong suốt hành trình là một trong những giải pháp cần thông tin rộng rãi để thu hút du khách đến Trà Vinh.
Đoàn tham quan lưu niệm Cây ước nguyện - Cụ cây 500 tuổi |
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn sắp triển khai
Thạc sĩ Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viên nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho biết: sắp tới đây, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế sẽ phối hợp vớ tỉnh Trà Vinh xây dựng chiến lược quyết tâm phát triển du lịch Trà Vinh trở thành điểm đến tiêu biểu của Nam Bộ. Với khẩu hiệu “Trà Vinh miền đất thuận thiên”, góp phần tái định vị phát triển du lịch Trà Vinh trong bối cảnh mới. Trong đó, chú trọng tích hợp giá trị nông nghiệp, nghề truyền thống, văn hóa bản địa và du lịch dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có để kết nối hành trình “từ sông ra biển”, đồng thời bổ sung các trải nghiệm gắn với hệ sinh thái mặt nước.
Đặc biệt, xem văn hóa là “sản nghiệp”, là “giá đỡ” để khách du lịch có những trải nghiệm đặc sắc. Dự kiến trong năm 2022 sẽ cho ra mắt mô hình du lịch “Làng hoa màu Khâu Lầu - Ba Động” tại thị xã Duyên Hải. Bên cạnh đó sẽ xã hội hóa làm sinh động các trải nghiệm dịch vụ, gắn với các nghề truyền thống tại huyện Trà Cú. Năm 2023, Trà Vinh sẽ ra mắt sàn giao dịch du lịch điện tử (TRAVINH-HOLIC), kết nối với nền tảng thương mại du lịch điện tử xuyên biên giới (Kkday).
Đồng thời, du lịch Trà Vinh sẽ kết hợp với vùng nguyên liệu từ nông hộ Khmer ở huyện Tiểu Cần (Sokfarm) để hình thành “Con đường hạnh phúc” phục vụ khách tham quan. Sang năm 2024, Trà Vinh sẽ cho ra mắt mô hình du lịch cộng đồng trong đô thị kết hợp với các dịch vụ “tắm rừng” và kiến tạo các chương trình “kết nối hành trình từ sông ra biển”. Các mô hình, chiến lược phát triển nêu trên đều gắn kết với các tỉnh cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm 04 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm: nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trà Vinh xác định du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch biển, kết hợp sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm như: Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông – Long Thạnh, rừng ngập mặn Nông trường 22/12, Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, khu đặc sản Hai My… tại thị xã Duyên Hải. Sớm đưa vào khai thác Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, khu Resort từ 03 sao trở lên, các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, điểm du lịch cộng đồng (homestay), điểm mua sắm đáp ứng yêu cầu cho việc khai thác khách du lịch.