Du lịch
Du lịch Yên Bái - điểm đến an toàn, hấp dẫn và ấn tượng
Hồng Hạnh - 27/06/2022 09:47
Nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cùng với đó là nhiều danh lam thắng cảnh và các sản phẩm du lịch độc đáo kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời. Đây chính là tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn để phát triển ngành du lịch.
Yên Bái có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Trong ảnh: Hồ Thác Bà, một điểm du lịch thu hút hàng vạn du khách mỗi năm

Các dòng sản phẩm chủ đạo

Ngoài tài nguyên du lịch tự nhiên, Yên Bái còn có tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia. Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; con người Yên Bái thân thiện, mến khách… Những yếu tố đó đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn.

Dù là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở tiềm năng sẵn có, Yên Bái đã xây dựng những định hướng cho phát triển du lịch đi vào chiều sâu gắn với 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch TP. Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên và vùng du lịch miền Tây, nhằm khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của từng vùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch trong tỉnh nói chung và từng vùng nói riêng, đồng thời tạo động lực đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm 2022, Yên Bái xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, ra mắt 2 sản phẩm OCOP du lịch đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Cùng với đó, hình thành và phát triển các dòng sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa cộng đồng; lịch sử văn hóa tâm linh; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí... Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với tỉnh ngày càng tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái ước đạt khoảng 806.000 lượt, bằng 73,3% kế hoạch, gấp 2,11 lần so với kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế là 2.200 lượt.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm du lịch nổi tiếng của Yên Bái

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng được tỉnh Yên Bái quan tâm ưu tiên đầu tư; nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển du lịch như Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội, tạo thuận lợi trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, năm 2021, chỉ tiêu về du lịch của tỉnh tuy không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng nhiều giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Mặt khác, chủ động và sẵn sàng khởi động trở lại các hoạt động mở cửa du lịch như: chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của tỉnh; triển khai chiến dịch truyền thông để kích cầu du lịch với thông điệp “Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”; gắn du lịch với các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của tỉnh, đất nước; chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng của sản phẩm du lịch, tôn vinh bản sắc văn hóa từng dân tộc và nét độc đáo của từng sự kiện, hoạt động du lịch; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp tham gia của doanh nghiệp, người dân và du khách trong các sự kiện, hoạt động du lịch… 

Trong những năm gần đây, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn như Alphanam, Sun Group, FLC… đã quan tâm, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư các dự án có quy mô về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp khép kín, nhằm cung cấp cho du khách những trải nghiệm chân thực và độc đáo.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, ra mắt 2 sản phẩm OCOP du lịch đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch theo 4 vùng du lịch trọng điểm gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là văn hóa, ẩm thực của người dân bản địa, tạo thành chuỗi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa, lịch sử mang dấu ấn riêng.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch, tỉnh tiếp tục mở rộng hợp tác du lịch trong nước, quốc tế; tổ chức Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò và khám phá di tích quốc gia đặc biệt danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải (dự kiến trong tháng 9/2022); Lễ hội quế Văn Yên; hoạt động du lịch “Mùa nước đổ” vào tháng 5/2022; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông vào tháng 10/2022; Lễ hội bưởi Đại Minh vào tháng 11/2022…

Bằng chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững, cùng với đó là những kế hoạch, giải pháp cụ thể, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng, du lịch Yên Bái không chỉ phục hồi, phát triển nhanh sau Covid-19, mà còn khẳng định thương hiệu là điểm đến hấp dẫn, an toàn và ấn tượng.

Tin liên quan
Tin khác