Cần tạo cơ sở pháp lý để người lao động thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về điều kiện làm thêm giờ, sản phẩm... |
Tư duy chủ - thợ đã quá cũ
Hội nghị “Người sử dụng lao động quốc gia năm 2019” mới đây nóng vì Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới nhất chưa giải quyết được 2 đề xuất lớn của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Đó là nới khung giờ làm thêm theo tuần, theo năm và không tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ.
Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn kiên trì đề xuất nới lỏng theo hướng bỏ ràng buộc theo tháng, nới rộng lên 500 giờ/năm... Tuy nhiên, mục tiêu của đề xuất này không phải để “bóc lột” người lao động như một số ý kiến lo ngại.
“Hiện tại, thị trường lao động đang rất cạnh tranh, rất thiếu lao động. Nếu doanh nghiệp không có chính sách an sinh xã hội tốt, không có chính sách lương, thưởng và các chế độ chăm sóc sức khỏe, tinh thần người lao động tốt, sẽ không tuyển được lao động. Thiếu lao động thì doanh nghiệp sẽ chết”, ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lý giải khi tiếp tục gửi kiến nghị trên tới ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có mặt tại Hội nghị.
Tất nhiên, trên thực tế, cũng có doanh nghiệp lợi dụng quy định về làm thêm giờ để chèn ép người lao động, nhưng theo bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội Điện tử Việt Nam), Dự luật này phải được xây dựng trên tư duy về mối quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động là mối quan hệ cộng sinh, cùng hội cùng thuyền làm kinh tế, chứ không có chuyện chủ sử dụng bóc lột người lao động.
“Nếu vẫn giữ quan điểm đối đầu, thì sẽ không thể xây dựng được chính sách hài hòa. Hơn thế, chúng ta đang xây dựng thị trường lao động theo các nguyên tắc thị trường, quyền của người sử dụng lao động và quyền của người lao động phải được điều chỉnh trên các nguyên tắc của hợp đồng, chứ không phải là tư duy lo hộ”, bà Hương nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cần tạo cơ sở pháp lý để người lao động thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về điều kiện làm thêm giờ, sản phẩm, chất lượng, lương thưởng… Nhà nước chỉ nên can thiệp trong các trường hợp đặc biệt như các ngành có nguy cơ độc hại cao cần có điều kiện về bảo hiểm, giới tính, số giờ làm thêm, điều kiện làm thêm thế nào…
Chỗ nào cho lao động sáng tạo?
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không tham gia các cuộc tranh luận nên hay không nên giảm giờ làm, hay quy định giờ làm thêm bao nhiêu là đủ khi góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
“Tôi không nhìn thấy chỗ cho lao động sáng tạo, lao động thời 4.0. Cách tiếp cận dự luật này vẫn trên tinh thần chủ - thợ, thay vì các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng các quyền thỏa thuận. Người lao động trong dự luật này cơ bản là lao động chân tay, chứ chưa thấy bóng dáng của lao động trí tuệ, lao động sáng tạo”, ông Thiên thẳng thắn.
Đứng ở góc độ tiếp cận lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Thiên cho rằng, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ khác đi rất nhiều, dựa trên thỏa thuận và các nguyên tắc khuyến khích sự sáng tạo, chứ không phải bó buộc trong những tư duy truyền thống. Chưa kể, lao động sáng tạo có thể làm vượt ra ngoài những giới hạn và sản phẩm của loại lao động này cũng có giá cả khác hẳn, tiền lương khác hẳn.
Lấy câu chuyện của Huawei đang phải chịu sức ép của Mỹ làm ví dụ, ông Thiên cho biết, nếu doanh nghiệp không tăng thời gian làm gấp 3 lần thì nguy cơ phá sản rất cao. “Bây giờ và tới đây là thời điểm của nguồn lực trí tuệ. Chúng ta chưa hình dung ra nó sẽ biến đổi như thế nào, trong khi lại muốn dùng thể chế hiện tại - thể chế cho lao động chân tay để xử lý vấn đề này thì khó. Nếu Dự luật này không tiếp cận doanh nghiệp như thực lực cạnh tranh quốc tế, thì bao giờ Việt Nam mới có những doanh nghiệp công nghệ như Google hay Facebook”, ông Thiên lo ngại.
Đây không phải lần đầu tiên có người đề cập sự thay đổi trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong bối cảnh mới. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty Luật NHQuang và cộng sự từng đặt câu hỏi: “Các dự thảo về làm thêm giờ có tính tới các yếu tố thực tế trong các mối quan hệ không biên giới giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác trên toàn cầu hay không?”.
“Chúng tôi có khách hàng ở châu Mỹ, với khoảng cách 12 giờ đồng hồ, không thể vì quy định giới hạn về thời gian làm thêm giờ mà từ chối các cuộc làm việc vào ban đêm với đối tác. Nếu cứ để doanh nghiệp lo ngay ngáy bị phạt vì vi phạm giờ làm thêm, thì thời gian nào nghĩ đến sáng tạo, mở rộng phạm vi hoạt động”, ông Quang đặt vấn đề.
Là doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín với 14 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm, chuỗi cung ứng và chế biến xuất khẩu sang 50 nước và vùng lãnh thổ, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú không lo những rào cản khắt khe về chất lượng của nước xuất khẩu.
“Các quy định đó đều rõ ràng để tuân thủ. Còn những quy định không thể tuân thủ do không phù hợp trong các văn bản pháp luật của Việt Nam mới thực sự là thử thách của doanh nghiệp”, ông An nói.
Với thời vụ thu hoạch tối đa kéo dài 5-6 tháng, làm thêm là cách để giải quyết mùa vụ nông sản cho người dân, gia tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, khi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, doanh nghiệp rơi vào thế bấp bênh. Nếu không tuân thủ để tiếp nhận hàng của nông dân kịp thời vụ, doanh nghiệp có thể bị phạt, thậm chí bị đối tác từ chối đơn hàng do vi phạm luật; còn tuân thủ thì nông dân sẽ chết.
“Trước đó, nhiều doanh nghiệp như chúng tôi bị từ chối đơn hàng do đối tác đánh giá không tuân thủ quy định ‘trả lương cho lao động trong tháng’. Trong khi đó, lương chỉ có thể được trả sau khi người lao động được thống kê về số giờ làm, chấm công, năng suất… Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và đã được tháo gỡ. Hiện tại, các quy định về giờ làm thêm đang trói doanh nghiệp tương tự”, ông An nhấn mạnh.