Nhật Bản trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ 6 của Việt Nam. |
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng tầm lên mức cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện, nhân dịp 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản, Kishida đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân từ 27-30/11/2023.
Qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Sự kiện này đã đưa Nhật Bản trở thành nước thứ sáu mà Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ.
Nhìn lại 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực với với sự tin cậy chính trị cao.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Việc thu hút dòng vốn FDI từ Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố sau khi nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, đặc biệt là các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thực phẩm, bán lẻ..., qua đó, kỳ vọng gia tăng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Đến nay, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Việt Nam, như: Tập đoàn Panasonic, Toshiba, Foster, Tokyu, Công ty Fujikura, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam…
Mới nhất, hôm 17/11/2023, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của các nhà đầu tư từ Nhật Bản Castem, Parts Seiko, Tamagawa, Fujix, tổng số vốn hơn 80 triệu USD.
Trong các cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đều khẳng định mối quan tâm rất lớn đối với thị trường Việt Nam, khi có 60% doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi đều cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Về thương mại, Nhật Bản cũng là thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam với vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 4 của nước ta, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 47,6 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất sang Nhật 24,2 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 6,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
10 tháng 2023, thương mại song phương đạt 36,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng nước này cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, so với nhiều thị trường, mức suy giảm tại Nhật là khá thấp. Nhập khẩu từ thị trường này 17,6 tỷ USD.
Bộ Công thương nhận định, nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cao, tiềm năng hợp tác còn lớn, còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, trao đổi thương mại.