Tại cuộc Họp báo quý II của Sở GDCK Hà Nội (HNX), lãnh đạo HNX đã nhận được nhiều câu hỏi của báo giới xung quanh câu chuyện thúc doanh nghiệp dưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.
Việc doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên UPCoM sau cổ phần hóa đã được quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Tuy nhiên, có một thực tế nhức nhối là, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa “lần lữa” mãi chuyện lên sàn. Về câu chuyện này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HNX cho rằng: “Quy định đã có, nhưng nhiều doanh nghiệp không nắm rõ. Các doanh nghiệp thường chỉ nắm được quy định về cổ phần hóa, chứ chưa hiểu đầy đủ các quy định liên quan đến lĩnh vực chứng khoán”.
Để gắn chặt hai hoạt động này với nhau, ông Long cho biết, HNX đã phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thực hiện sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC. Theo đó, Thông tư sửa đổi sẽ tạo cơ chế “3 trong 1”, gắn công tác đấu giá với đăng ký, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đưa cổ phiếu lên giao dịch.
Cụ thể, trong vòng 10 - 20 ngày sau khi trúng đấu giá cổ phần của doanh nghiệp, cổ phiếu sẽ tự động được chuyển vào tài khoản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán và có thể thực hiện giao dịch ngay. Hiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 196/2011 đã được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.
Bên cạnh việc tạo cơ chế mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian làm thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với các doanh nghiệp “né” tránh nghĩa vụ này (như trường hợp hai “ông lớn” ngành rượu – bia như Sabeco và Habeco sau hơn 8 năm cổ phần hóa vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn), ông Nguyễn Thành Long chia sẻ, sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với chế tài rõ hơn. Theo đó, bất kể doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều phải có trách nhiệm với người mua cổ phần, đưa cổ phiếu lên sàn sẽ tạo cơ chế giám sát với cổ đông và nhà chức trách.
“Có thể nói, thời gian qua, các quy định thúc doanh nghiệp lên UPCoM sau IPO chưa đạt được hiệu quả cao nhất do phần lớn chỉ mang tính chất hướng dẫn, mà chưa có chế tài rõ ràng. Sắp tới việc sửa đổi Nghị định 108 nhiều khả năng sẽ cải thiện tình trạng này”, ông Long nói.
Theo lãnh đạo HNX, bên cạnh việc phối hợp trong công tác sửa đổi các quy định luật pháp, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện rà soát, lập danh sách các công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng chưa niêm yết hoặc đã hủy niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg để kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Đi đôi với công tác tạo hàng cho thị trường UPCoM, ông Long cho biết, HNX đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường. Việc phân bảng cổ phiếu, bên cạnh mục tiêu giới thiệu các cổ phiếu có giá trị thì đi kèm là cảnh báo cho nhà đầu tư những cổ phiếu cần cân nhắc trên UPCoM. Hiện tại, nội dung cụ thể về việc thực hiện phân bảng UPCoM đã hoàn tất, tuy nhiên, HNX cần thời gian để triển khai. Dự kiến, ngày 24/6 là ngày ra mắt bảng UPCoM Premium và Bảng cảnh báo nhà đầu tư tại HNX.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ xây dựng nhiều bộ chỉ số đa dạng dựa trên cổ phiếu UPCoM, phục vụ cho nhu cầu đầu tư đa dạng của nhà đầu tư và việc ra đời các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp như chứng chỉ quỹ đầu tư hoặc các sản phẩm phái sinh. Đồng thời, HNX sẽ triển khai mở rộng đối tượng sử dụng hệ thống công bố thông tin tự động (CIMS), hướng tới 100% doanh nghiệp trên UPCoM sử dụng hệ thống CIMS.
Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long cho biết, tại thời điểm 31/12/2015, tổng giá trị vốn hóa trên thị trường UPCoM là 61.000 tỷ đồng và đến 31/5/2016, vốn hóa đã đạt gần 110.000 tỷ đồng. Như vậy, vốn hóaUPCoM đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 tháng.
Tính đến ngày 6/6/2016, với 303 cổ phiếu trên thị trường, tổng khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 953,98 triệu đơn vị, cao hơn khối lượng giao dịch cả năm 2015 (934,6 triệu đơn vị), giá trị giao dịch bình quân phiên 5 tháng đầu năm 2016 đạt 129,3 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 2 lần giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2015.