Đầu tư
Đưa Hà Nội trở thành Thủ đô hấp dẫn bậc nhất trên thế giới
Kỳ Thành - 11/01/2024 14:26
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sau khi hoàn thành, được phê duyệt, sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng kiến tạo động lực đưa Thủ đô phát triển bứt phá.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền TP. Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.

Theo đánh giá của liên danh các đơn vị tư vấn tại Hội thảo Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra hôm qua (9/1), Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh đặc thù mà hiếm Thủ đô nào trên thế giới có được. “Nếu được khai thác toàn diện, sẽ tạo sự phát triển bứt phá và Hà Nội trở thành Thủ đô hấp dẫn bậc nhất trên thế giới”, đại diện đơn vị tư vấn nói.

Song bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, những năm gần đây, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. 5 điểm nghẽn được các chuyên gia chỉ ra là thiếu thể chế vượt trội, hạ tầng thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị chậm đổi mới và năng lực quản lý còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Về quan điểm phát triển, Dự thảo nhấn mạnh những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô cũng đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, trong đó xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD...

Quy hoạch xác định 4 đột phá phát triển, gồm: đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan.

Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kịch bản tăng trưởng 8,5 - 9% chưa đáp ứng được kỳ vọng của vùng là 9% nên cần xem xét thêm. GRDP bình quân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân chung của vùng chưa thể hiện Hà Nội là cực tăng trưởng để lan tỏa và lôi kéo vùng phát triển.

Ngoài ra, về định hướng phát triển hạ tầng Thủ đô, cần quan tâm vấn đề phát triển hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông; việc đầu tư sân bay thứ 2 tại Phú Xuyên; phát triển hạ tầng số; giải quyết vấn đề ngập úng, ô nhiễm môi trường khi Hà Nội thuộc nhóm thành phố ô nhiễm nhất thế giới; vấn đề an ninh nguồn nước khi nhu cầu sử ngày càng tăng.

Theo TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các điểm nghẽn mà Dự thảo Quy hoạch chỉ ra đúng với các địa phương, nhưng với Hà Nội, cần làm rõ hơn. Chẳng hạn, về điểm nghẽn hạ tầng, Hà Nội đang chậm trong phát triển giao thông ngầm. “Với dân số 8 - 9 triệu người, Hà Nội cần đẩy nhanh phát triển giao thông ngầm”, TS. Sinh nói.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông các nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng.

Tin liên quan
Tin khác