Logistics trong nông nghiệp là một chuỗi các hoạt động: thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hoá… với mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông (vùng nguyên liệu) - nhà cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xác định là lực đẩy để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, trên thực tế logistics nông sản tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, chính sách, đặc biệt là vấn đề thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu.
Ths. Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng Ban nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam. |
Tại Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”, Ths. Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng Ban nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản Việt như sau:
Đối với cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch - hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản; tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả; có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics, đặc biệt cold chain logistics (hệ thống chuỗi lạnh).
Đối với các đơn vị kinh doanh nông sản, cần tăng cường tính chuyên môn hoá, giảm tỷ lệ hao hụt, tổn thất qua việc sử dụng phần lớn các dịch vụ thuê ngoài logistics; tích cực hoạt động trong các Hiệp Hội doanh nghiệp để tăng tính kết nối; tăng cường tính liên kết mạng lưới chủ hàng trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô.
Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, cần liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới.
“Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới hiện đều coi logistics là chiến lược giúp nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh cho nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi logistics trong nông nghiệp để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ.”, Ths. Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là 1 trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số.
Theo đó, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...; phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để hình thành hệ thống một cửa, cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics nên áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến như big date, blockchain… nhằm giảm thời gian xử lý, giảm chi phí và tăng hiệu suất kinh doanh, từ đó hỗ trợ trở lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên cơ sở giảm phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Đồng thời cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành… nhằm khai thác hiệu quả các trung tâm logistics.
Theo Quyết định số 1012/QÐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có 21 trung tâm logistics: 3 trung tâm hạng I, 15 trung tâm hạng II, và 3 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.
Các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vai trò là trung tâm gốc tại các thành phố Hà Nội, Ðà Nẵng và đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế, bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu...