TIN LIÊN QUAN | |
Bộ GTVT khánh thành cầu treo Nam Công | |
Bộ trưởng Thăng "thúc" tiến độ cầu treo dân sinh |
Đồng bào vùng sâu vùng xa phấn khởi khi được Nhà nước xây dựng cầu treo |
Theo báo cáo của Bộ GTVT, thực hiện Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Bộ đã khẩn trương lựa chọn nhà thầu thi công để tiến hành dự án. Các nhà thầu được lựa chọn xây dựng hệ thống cầu treo phục vụ dân sinh phải có đủ khả năng tài chính, ứng vốn trước (không tính lãi) để triển khai thực hiện và đảm bảo hoàn thành toàn bộ Dự án.
Tính đến tết Ất Mùi, đã có 80 dự án cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Nhiều cây cầu vượt tiến độ, vẫn đáp ứng tiêu chuẩn "ba nhất" (nhanh nhất, tốt nhất, giá thành hợp lý nhất) mà Bộ GTVT đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tiến độ được đẩy nhanh là nhờ đồng bộ tất cả các khâu từ tổ chức, điều hành, giám sát thi công. Mỗi cầu có giá trị dao động từ 2-7 tỷ đồng, tuỳ theo mét vuông và chiều dài cầu. Bộ GTVT yêu cầu những cầu treo này tuổi thọ ít nhất 25 năm. Trong quá trình sử dụng, Bộ sẽ phân công các đơn vị có kế hoạch bảo dưỡng định kì để đảm bảo chất lượng.
Nhiều người dân bày tỏ cảm ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm đến cuộc sống của đồng bào vùng sâu vùng xa. Trước đây khi chưa có cầu, dân toàn phải đi bằng bè nứa tạm. Vào mùa nước dâng cao, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Đã có nhiều người chết đuối, trong đó có các cháu học sinh khi đi học về bị lũ cuốn trôi. Có cầu mới, cuộc sống của người dân sẽ thay đổi nhiều.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã xây dựng Đề án hơn 4.000 cầu treo dân sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc với tổng kinh phí lên tới 8.300 tỷ đồng. Bộ sẽ huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xin phép Chính phủ sử dụng vốn dư của QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên để lấy tiền làm cầu dân sinh cho bà con. Nếu được Chính phủ và Quốc hội đồng ý, Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ số lượng cầu này. |
Duy Hữu (Tổng hợp)