Du lịch
Đứng cạnh “người khổng lồ”, du lịch Cát Hải vẫn hút nhà đầu tư, du khách
Hồ Hạ - 28/04/2021 11:18
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã chia sẻ những bước đi “chậm mà chắc”, đón khách “ít mà sang” của ngành kinh tế xanh huyện đảo này.

Được coi là phát triển du lịch khá muộn, lại đứng cạnh hai “người khổng lồ” du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) và du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng), song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và những chính sách đúng đắn với định hướng, coi trọng du lịch là một trong 3 “cỗ xe tam mã” để phát triển kinh tế địa phương, du lịch huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) đang là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư chiến lược và du khách, nhất là dòng khách sang trọng, có mức chi trả cao.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: Mai Anh.

Thưa ông, thời gian qua, du lịch huyện đảo Cát Hải đạt những con số tăng trưởng đáng mơ ước với mức bình quân 17%/năm. Nếu không kể đến tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có lẽ mức tăng trưởng còn cao hơn thế. Vậy, chính quyền địa phương đã làm gì để hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược và du khách?

Huyện đảo Cát Hải may mắn được “mẹ thiên nhiên” ban tặng quần đảo Cát Bà với 366 hòn đảo lớn nhỏ và vườn Quốc gia Cát Bà với hệ sinh thái đa dạng. Chẳng những là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, huyện đảo còn rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Vùng biển Cát Bà là khu bảo tồn biển của Việt Nam. Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đặc biệt, vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà hình vòng cung, ôm trọn đảo Cát Bà nguyên sơ, thanh bình, được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Người dân Cát Hải cần lao, hào sảng, mến khách… Tất cả dệt nên bức tranh sơn thủy hữu tình đầy quyến rũ.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, huyện Cát Hải tập trung phát triển ba “cỗ xe tam mã” kinh tế gồm dịch vụ cảng biển, logistics; công nghiệp công nghệ cao và du lịch dịch vụ. Trong đó, quần đảo Cát Bà là trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch.

Huyện đảo Cát Hải may mắn được “mẹ thiên nhiên” ban tặng quần đảo Cát Bà với 366 hòn đảo lớn nhỏ và vườn Quốc gia Cát Bà với hệ sinh thái đa dạng. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Chỉ trong vòng 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, thành phố và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải, ngành du lịch dịch vụ đã có bước phát triển đột phá, tạo nên diện mạo mới của một huyện đảo năng động, sáng tạo.

Theo đó, du lịch dịch vụ đạt con số tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay với mức bình quân 17%/năm; kết thúc năm 2019, lượng khách du lịch đã vượt chỉ tiêu 41%, doanh thu từ hoạt động du lịch - dịch vụ đạt trên 1,8 nghìn tỷ đồng, vượt 2,4 lần so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI.

Năm 2019, tổng thu ngân sách của huyện đạt hơn 647 tỷ đồng, trong đó thu từ các hoạt động du lịch dịch vụ chiếm tới 78%. Con số đó khẳng định, du lịch dịch vụ chính là ngành kinh tế chủ đạo của huyện Cát Hải.

Năm 2019, tổng thu ngân sách của huyện Cát Hải đạt hơn 647 tỷ đồng, trong đó thu từ các hoạt động du lịch dịch vụ chiếm tới 78%. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

So với những "người khổng lồ" như du lịch Hạ Long của Quảng Ninh hay du lịch Đồ Sơn của Hải Phòng đã phát triển cả trăm năm, ngành kinh tế xanh Cát Bà mới phát triển hơn 10 năm.

Năm 2006, huyện Cát Hải mới có khách sạn tư nhân đầu tiên thì đến nay đã có hệ thống lưu trú với hơn 6.000 phòng, có khả năng đáp ứng 2 vạn khách/ngày. Trong đó phải kể đến khách sạn 5 sao Flamingo Cát Bà và đội gần 80 du thuyền lưu trú trên vịnh Lan Hạ với gần 40 tàu đạt chất lượng từ 4 - 5 sao. Ngoài ra, huyện Cát Hải có trên 200 nhà hàng phục vụ những món hải sản và sản phẩm đặc hữu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo sự khác biệt cho du khách.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, huyện Cát Hải tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp với tuyến đường xuyên đảo từ bến phà Cái Viềng về trung tâm du lịch Cát Bà. Huyện cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng bến phà Cát Hải - Phù Long, dự kiến tháng 6/2021 hoàn thành sẽ góp phần hóa giải nút thắt về giao thông.

Đặc biệt, hệ thống điện 35 KV đang được thay thế bằng hệ thống đường dây 110 KV; xây dựng, hoàn thiện các hồ chứa nước mặt, khai thác có hiệu quả hệ thống nước ngầm và hệ thống lọc từ nước biển đủ công suất cung cấp cho 5 triệu du khách/năm.

Đáng chú ý, từ tháng 6/2020, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long đi vào hoạt động. Đây vừa là sản phẩm du lịch, vừa là loại hình giao thông cao cấp, giúp giảm tàu phà bến Gót, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Cát Bà trở thành đảo du lịch sinh thái.

Năm 2006, huyện Cát Hải mới có khách sạn tư nhân đầu tiên thì đến nay đã có hệ thống lưu trú với hơn 6.000 phòng, có khả năng đáp ứng 2 vạn khách/ngày(Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Để ngành kinh tế xanh phát triển và thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, chắc hẳn địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy, đó chính là phương châm của lãnh đạo huyện Cát Hải. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Để phần nào giúp các doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi và vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19, chúng tôi ưu tiên tháo gỡ những vấn đề về thủ tục hành chính, quảng bá sản phẩm.

Ngay từ đầu năm 2021, huyện Cát Hải đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Lữ hành toàn quốc tại huyện.

Trước đó, huyện chủ động cùng các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Giới thiệu Du lịch Cát Bà tại Thủ đô Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ của huyện có điều kiện giới thiệu sản phẩm của mình tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5, trên 6.000 phòng lưu trú của huyện Cát Hải đã kín khách. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Đặc biệt, vừa qua, chúng tôi cũng đã có đề xuất về cơ chế để doanh nghiệp du thuyền hoạt động thuận lợi trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh và vịnh Lan Hạ, Cát Bà. Hiện chính quyền TP. Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đã đề nghị Chính phủ gửi đề xuất tới UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó, nếu được công nhận trong quy chế quản lý chung thì sẽ có sự thống nhất về quản lý để doanh nghiệp hoạt động, phát triển.

Qua thông tin từ các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy những tín hiệu rất đáng mừng là trong dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5, trên 6.000 phòng lưu trú của huyện đã kín khách. Hiện nay, chúng tôi đã và đang chuẩn bị kỹ lượng các phương án để đảm bảo an toàn tốt nhất cho du khách.

Vịnh Lan Hạ được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Vịnh Lan Hạ nói riêng, huyện Cát Hải nói chung đang hội tụ những dịch vụ du lịch tốt nhất với mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, lượng khách vẫn chủ yếu tập trung vào dịp cao điểm mùa hè. Trong dài hạn, huyện đã có những định hướng, chiến lược như thế nào để phát triển du lịch Cát Bà quanh năm, thưa ông?

Lãnh đạo huyện Cát Hải luôn có nỗi trăn trở thường trực là làm sao “phá thế” du lịch một mùa hiện nay. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực để phát triển du lịch Cát Bà trở thành điểm đến bốn mùa bằng cách đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch trái vụ.

Đơn cử, đầu năm 2021, huyện đầu tư tuyến đường hoa dài tới gần 20 km với những loài hoa đặc hữu của Cát Bà như hoa mộc miên đỏ thắm (hoa gạo), hoa quạch trắng tinh khôi phủ trắng núi đồi, hoa mắc mèo vàng óng… Khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12, con đường xuyên đảo lại bạt ngàn hoa lau. Đây là những điểm check–in khiến du khách vô cùng thích thú.

Bên cạnh đó, huyện Cát Hải đang đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái trong mùa thu và mùa đông. Vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt cùng cuộc sống bình dị, an yên ở những làng chài cũng sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ.

Đặc biệt, ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh quy hoạch hơn 562ha tại huyện Cát Hải để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành du lịch. Hiện nay, một số doanh nghiệp, Tập đoàn đang nghiên cứu để đầu tư các sản phẩm mới trên địa bàn. Có lẽ sẽ sớm thôi, một sân golf 18 lỗ sẽ có mặt tại Cát Hải để phục vụ nhu cầu của dòng khách chi trả cao.

Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất của thế giới, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực hội tụ những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất với mức chi trả hợp lý nhất cho du khách. Chính vì thế, không có lý do gì để du khách không đến với Cát Bà.

Chính quyền và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Cát Hải đang nỗ lực hội tụ những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất với mức chi trả hợp lý nhất cho du khách. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Những thành quả của ngành du lịch, dịch vụ như ông kể trên hẳn đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của địa phương và đời sống người dân huyện đảo?

Trước đây, người dân Cát Hải chủ yếu làm muối, làm nông nghiệp, chế biến hải sản. Tuy nhiên, từ khi phát triển du lịch, người dân đã tham gia cung cấp các dịch vụ tại chỗ. Nhờ đó, đời sống người dân không ngừng cải thiện, trung bình, mỗi lao động thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Đáng kể, du lịch đã tạo cơ hội cho địa phương tận dụng được lao động cao tuổi, thanh niên từ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, du lịch phát triển, Cát Hải nói chung và Cát Bà nói riêng đã thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo một sự đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo, cung cấp được các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đẳng cấp quốc tế. Mặt khác, nhờ du lịch mà chính quyền TP. Hải Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt với địa phương thông qua sự đầu tư cơ sở kỹ thuật như lắp đặt hệ thống điện ra đảo; xây dựng hệ thống hồ chứa nước, đường giao thông….

Du lịch phát triển sôi động cũng là cơ hội để huyện Cát Hải và đảo Cát Bà được biết đến rộng rãi, tạo nhịp cầu giao lưu văn hóa cho người dân đia phương vốn dĩ là những ngư dân bình dị, chất phát, mộc mặc trở nên cởi mở, nhạy nhanh với cuộc sống hiện đại khi tham gia làm kinh tế.

Nhờ sự vào cuộc của các nhà đầu tư chiến lược, đời sống người dân huyện đảo Cát Hải không ngừng được cải thiện. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Phát triển muộn có phải là lợi thế để du lịch Cát Hải tránh tình trạng phát triển quá nóng như một số điểm đến khác, thưa ông?

Chúng tôi nhận thấy, bất lợi của địa phương đi sau là xuất phát chậm, nhưng lại tránh được những bấp cập của điểm đến đi trước. Nhờ đó, quá trình khai thác, xây dựng chúng tôi đã có những bước đi đúng hướng hơn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn đầu tư, thực hiện các dự án phải thẩm định qua nhiều vòng, thậm chí có ý kiến của cộng đồng dân cư để tránh phá vỡ cảnh quan, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phát triển du lịch bền vững.

Điều đáng tự hào là sau nhiều năm phát triển, Cát Bà vẫn giữ được nét hoang sơ, vẻ đẹp riêng có.

Về quản lý, chúng tôi đã rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Đơn cử, không để xảy ra tình trạng ăn xin, bán hàng rong, hạn chế thấp nhất tình trạng cò mồi gây sự phiền hà tới du khách. Trong một số dịch vụ công cộng, chúng tôi đang không ngừng cải thiện là nhà vệ sinh công cộng miễn phí, đạt tiêu chuẩn tại bến Bèo.

Đồng thời, bố trí lắp đặt bổ sung hệ thống camera an ninh tại trung tâm du lịch Cát Bà nhằm hỗ trợ công tác quản lý, chú trọng triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý, triệt phá nạn chèo kéo khách; đảm bảo cao nhất về an toàn thực phẩm... qua đó giữ vững và tạo sự lan tỏa về hình ảnh du lịch Cát Bà an toàn, thân thiện, nghĩa tình.

Đặc biệt, huyện đảo Cát Hải nói chung và Cát Bà nói riêng đang thúc đẩy số hóa các dư địa chỉ, điểm du lịch. Tới đây, từ ngày 13/5, chúng tôi sẽ triển khai bán vé tham quan vịnh, nghỉ đêm bằng điện tử, tạo điều kiện cho du khách đến với Cát Bà.

Du khách trải nghiệm mặc áo dài truyền thống và thưởng thức ẩm thực Việt Nam tại du thuyền Heritage Bình Chuẩn(Ảnh Heritage Bình Chuẩn)

Cá biệt hóa các sản phẩm theo hướng thu hút thị trường có mức chi trả cao đường như đang là hướng đi ưu tiên của huyện Cát Hải, thưa ông?

Cát Bà có vịnh Lan Hạ - một trong các vịnh đẹp nhất thế giới, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư, triển khai hệ thống tàu du lịch cao cấp phục vụ thị trường khách có mức chi trả cao.

Tuy nhiên, trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch xoay trục khai thác thị trường du lịch nội địa, nên hiện các sản phẩm cao cấp này đang được các doanh nghiệp cung cấp với mức giá phù hợp nhất, đặc biệt là gia tăng các tiện ích, tăng trải nghiệm, giá trị dành cho khách hàng, điển hình như du thuyền Heritage Bình Chuẩn.

Do vậy, thời điểm hiện nay sẽ là cơ hội tốt nhất để người dân trong nước trải nghiệm dòng sản phẩm cao cấp này vốn dĩ trước đây hầu như chỉ dành cho khách ngoại.

Năm 2021, trước khi đại dịch Covid-19 tái phát dịp Tết Nguyên đán, huyện Cát Hải đặt chỉ tiêu 3 triệu lượt khách. Tuy nhiên, hiện chúng tôi không đặt nặng mục tiêu số lượng mà định hướng điều chỉnh đón dòng khách hạng sang, có mức chi trả cao.

Nhằm kích cầu du lịch nội địa, huyện Cát Hải đang và sẽ triển khai chuỗi hoạt động hấp dẫn như: Lễ đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Huân chương Lao động hạng III,…

Song song với các hoạt động du lịch, chúng tôi đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đã lên kịch bản riêng, chi tiết về phòng, chống dịch Covid-19 cho từng hoạt động, sự kiện.

Sau nhiều năm phát triển, Cát Bà vẫn giữ được nét hoang sơ, vẻ đẹp riêng có. (Ảnh Heritage Bình Chuẩn)
Tin liên quan
Tin khác