Nếu không gộp trạm thì trên tuyến Quốc lộ 1 có tới 3 trạm thu giá (Phú Bài, Bắc Hải Vân và Nam Hải Vân) trong khoảng cách khoảng 74km từ thành phố Huế đến khu du lịch Lăng Cô và hầm Hải Vân. (Đồ họa: Vnexpress) |
Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án tổ chức lại các trạm thu giá của Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân) và Dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ 1 chấp thuận phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu giá hoàn vốn Dự án hầm đường bộ Đèo Cả và hầm Phú Gia Phước Tượng.
Mức phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân đến năm 2021 giữ nguyên theo Hợp đồng BOT hầm Phước Tượng Phú Gia đã ký (tương tự các trạm khác trên Quốc lộ 1), giai đoạn sau năm 2021, căn cứ điều kiện thực tế và phương án tài chính cụ thể của các dự án để lựa chọn mức thu giá dịch vụ phù hợp Luật giá.
Với phương án này số lượng trạm thu giá hoàn vốn Dự án hầm đường bộ Đèo Cả sẽ từ 7 trạm giảm xuống còn 6 trạm (trạm Đèo Cả, trạm Bàn Thạch, trạm Cù Mông, trạm La Sơn - Túy Loan, trạm Bắc Hải Vân và trạm Ninh An) do ghép trạm Nam Hải Vân và Bắc Hải Vân thành 1 trạm tại Bắc Hải Vân.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ưu điểm của phương án này là giảm bớt 1 trạm thu giá (đi từ thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng chỉ phải qua 2 trạm là Phú Bài và Bắc Hải Vân), giảm chi phí xây dựng thêm 1 trạm thu giá mới. Trong tương lai, mức phí tại trạm Bắc Hải Vân sẽ cao hơn các trạm khác trên Quốc lộ 1 do thu giá hoàn vốn 2 dự án (Dự án hầm Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân) và hầm Phú Gia Phước Tượng). Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định do trạm đặt trên đường dẫn vào hầm nên người dân có sự lựa chọn miễn phí khi đi trên đèo Hải Vân.
Bất cập sẽ còn lớn hơn nếu chọn phương án xây dựng trạm thu giá mới trong phạm vi hầm Phú Gia và Phước Tượng để hoàn vốn Dự án xây dựng hầm Phú Gia và Phước Tượng. Trạm Bắc Hải Vân hiện tại sử dụng để thu giá hoàn vốn Dự án hầm đường bộ Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân).
Ngoài việc phát sinh thêm chi phí xây dựng trạm mới (khoảng 50-70 tỷ đồng), đồng thời sẽ có 3 trạm thu giá (Phú Bài, Bắc Hải Vân và Nam Hải Vân) trong khoảng cách khoảng 74km từ thành phố Huế đến khu du lịch Lăng Cô và hầm Hải Vân.
Bên cạnh đó, nếu xây dựng trạm Nam Hải Vân thì trạm này chỉ cách trạm BOT Bắc Hải Vân của dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia 10 km. Khi đó, người dân Đà Nẵng đến trước hầm Hải Vân phải trả tiền phí lưu thông qua hầm, sau khi ra khỏi hầm lại tiếp tục trả phí cho dự án Phước Tượng - Phú Gia. Phương án này các phương tiện đi qua hầm Hải Vân sẽ qua 2 trạm thu giá, điều này sẽ gây bức xúc cho các phương tiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu vực trạm thu giá.
“Bộ GTVT đang phối hợp với các Nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh phương án thu giá tại trạm Bắc Hải Vân. Riêng đối với phương án tài chính Dự án hầm Đèo Cả, Bộ GTVT đang rà soát, tính toán và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có đủ số liệu”, Bộ GTVT cho biết.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có tổng mức đầu tư khoảng 26.154 tỷ đồng (nguồn vốn BOT 21.106 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ Dự án 5.048 tỷ đồng); sử dụng 07 trạm thu giá dịch vụ (gồm trạm Đèo Cả, trạm Bàn Thạch, trạm Cù Mông, trạm Nam Hải Vân, trạm La Sơn - Túy Loan, trạm Bắc Hải Vân (bắt đầu thu sau khi kết thúc hoàn vồn Dự án hầm đường bộ Phú Gia Phước Tượng) và trạm Ninh An) để hoàn vốn; thời gian hoàn vốn khoảng 29 năm.