Thời sự
Đừng để tăng trưởng kinh tế giảm sốc trong quý I/2018
Nguyên Đức - 31/10/2017 16:14
Những bất hợp lý trong tăng trưởng kinh tế đã được các đại biểu chỉ rõ, từ đó có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Một trong những ý kiến góp ý nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sán nay tại Quốc hội, đó là đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, số liệu tăng trưởng kinh tế các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường.

đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) phát biểu.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, thì các quý cuối năm thường tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột. “Nếu lý giải là do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút thì không thuyết phục, bởi đã được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu. Nếu nói do quy trình ngân sách theo năm nên đầu năm chi ít thì cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh. Bởi quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt vấn đề.

Con số mà đại biểu Hoàng Quang Hàm đưa ra dẫn chứng, đó là nếu quý IV năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề là quý I năm 2017 - chỉ còn 5,15%.

“Chính phủ phải làm rõ điều này và có giải pháp khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý I/2018 và quý I các năm sau”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Trong khi đó, liên quan đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, theo đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa), vẫn còn nhiều thách thức. Lý do là vì, đầu tháng 10 vừa qua đã trải qua bão lụt lớn, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng cao trong quý IV.

“Do vậy, những tháng cuối năm 2017, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra, nhất là dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng ngành kinh tế, đi đôi với việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất - kinh doanh”, đại biểu Đỗ Trọng Hưng nói.

Theo vị đại biểu này, ngành nông nghiệp 9 tháng qua tăng trưởng 2,78%, để cả năm tăng 2,9% thì quý IV phải tăng trên 3%. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn, vì tăng trưởng lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, thị trường. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa thấy đánh giá tình hình thiệt hại đối với ngành nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua.

“Vì vậy, tôi đề nghị cần đánh giá bổ sung mức độ thiệt hại xem đã làm sụt giảm bao nhiêu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tác động đến tăng trưởng GDP cả năm như thế nào, qua đó cần tập trung cao cho sản xuất vụ đông hiện nay và vụ đông xuân sắp tới, nhanh chóng phát triển chăn nuôi thủy sản, đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới một cách thực chất”, đại biểu Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, dù kinh tế đang diễn biến tích cực, nhưng vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Do đó, cũng cần lường trước các thách thức để có phương án giải pháp đồng bộ ứng phó hoàn thành các chỉ tiêu năm 2017 đạt kết quả và khả thi phù hợp.

Liên quan kế hoạch năm 2018, đại biểu Mai Ánh Tuyết đồng thuận mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7%. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tăng trưởng, thì phải giải quyết cả 3 khía cạnh, là tốc độ tăng trưởng, tốc độ lạm phát và phải giải quyết tốt vấn đề thất nghiệp, giải quyết việc làm.

“Vấn đề thất nghiệp, giải quyết việc làm đang là gánh nặng làm ảnh hưởng đến chất lượng nền kinh tế. Do đó, đề nghị các chỉ tiêu năm 2018 cần bổ sung chỉ tiêu thất nghiệp, giải quyết việc làm để có giải pháp nỗ lực phấn đấu hoàn thành nâng cao chất lượng nền kinh tế”, đại biểu Mai Ánh Tuyết nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác