Du lịch
Dùng “hộ chiếu vắc-xin” cứu nguy du lịch
Hồ Hạ - 28/06/2021 08:51
“Hộ chiếu vắc-xin” có thể là liều thuốc cứu nguy ngành kinh tế xanh Việt Nam trong bối cảnh du lịch trong nước đang phải “ngủ đông giữa mùa hè” để tránh “cơn sóng thần” Covid-19 lần thứ tư.
Thời gian qua, du lịch Việt Nam liên tục đóng rồi mở cùng dịch bệnh

Thử nghiệm với thị trường nội địa

Covid-19 bùng phát nhiều đợt khiến 90-95% doanh nghiệp lữ hành phải tạm ngừng hoạt động, các khách sạn đóng cửa ở khắp nơi. “Cơn sóng thần” lần thứ tư là cú “nốc ao” với nhiều doanh nghiệp du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cơ sở dịch vụ… vốn đã lao đao qua 3 lần dịch trước.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel ngậm ngùi: “Chứng kiến cảnh các sân vận động của châu Âu phủ kín khán giả cổ vũ các trận đấu Euro mà phát thèm. Mỹ và các nước châu Âu năm ngoái và đầu năm nay bị “bão” Covid-19 vùi dập, thì giờ đã dần mở cửa trở lại nhờ triển khai nhanh chương trình tiêm phòng vắc-xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, du lịch Việt Nam cứ liên tục đóng rồi mở, sống rồi chết cùng dịch bệnh”.

Cần một “nhạc trưởng”

Mặc dù doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón khách trở lại, nhưng vẫn cần có định hướng cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước. Lúc này, rất cần vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước với việc đưa ra lộ trình rõ ràng, thông tin cập nhật, các tiêu chí về du lịch an toàn… để các doanh nghiệp thực hiện. Nếu không có những chính sách phù hợp, kế hoạch cụ thể cho cả thị trường nội địa và quốc tế, thì chắc chắn, du lịch Việt Nam sẽ bị bỏ lại xa so với các nước trong khu vực.

- doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group

Theo ông Đạt, Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt. Tuy nhiên, chỉ có vắc-xin và miễn dịch cộng đồng mới giúp ngành kinh tế xanh trở lại “trạng thái bình thường cũ”, chứ không phải chỉ là “trạng thái bình thường mới” đầy bấp bênh. Chính vì vậy, việc Chính phủ và cả xã hội đang chạy đua để có nguồn vắc-xin và phổ cập vắc-xin toàn dân là vô cùng cấp thiết.

“Vấn đề ‘hộ chiếu vắc-xin’ đã được một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… tiến hành thử nghiệm. Nhưng do đây là vấn đề mới ở cả trong nước và quốc tế, còn gây nhiều băn khoăn và tranh cãi, nên các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cho thử nghiệm ‘hộ chiếu vắc-xin’ trước tiên trong nội địa, cho du lịch nội địa”, ông Đạt đề xuất.

CEO AZA Travel phân tích, thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” tại thị trường nội địa sẽ dễ thực hiện và dễ điều chỉnh hơn. Từ đó, nếu thành công, sẽ triển khai “hộ chiếu vắc-xin” đón khách quốc tế có chọn lọc từ các thị trường tương đối an toàn. Điểm đón tại Việt Nam cho khách quốc tế mang “hộ chiếu vắc-xin” có thể là Phú Quốc, vì ở vị trí tương đối biệt lập. Nếu thành công và an toàn, sẽ mở rộng ra các điểm du lịch khác.

Theo đó, du khách có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, khi đến từ các vùng, địa phương an toàn trong nước, sẽ được miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm... Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố chỉ mở cửa du lịch cho người trong tỉnh, trong khi người ngoại tỉnh, kể cả có chứng nhận tiêm vắc-xin đủ 2 mũi, vẫn không được vào hoặc phải xét nghiệm phức tạp, bị cách ly 21 ngày theo quy định…, khiến du lịch chưa thể khởi động lại.

Để thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” với thị trường nội địa, các CEO ngành du lịch cho rằng, doanh nhân, nhân sự ngành du lịch ở các vị trí tiếp xúc với khách hàng thường xuyên cần được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Các doanh nghiệp du lịch, tuỳ theo khả năng, có thể tham gia đóng góp vào quỹ vắc-xin để được ưu tiên tiêm cho nhân sự của mình.

Áp dụng mô hình du lịch ít tiếp xúc

Ngày 11/6, Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang). Đây là một tin vui đối với ngành du lịch sau hơn một năm rưỡi Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế để phòng chống dịch bệnh.

Tổng cục Du lịch Việt Nam đang bàn việc mở cửa cho khách quốc tế với việc xây dựng kế hoạch chi tiết cùng những tiêu chí rõ ràng, trên tinh thần không mở ồ ạt. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở cửa đón khách quốc tế, nhưng vẫn phải tính đến các giải pháp phòng dịch, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh an toàn.

“Hộ chiếu vắc-xin” đã được một số nước châu Âu như Hy Lạp, Đan Mạch, Pháp… triển khai. Tại Thái Lan, từ ngày 1/7, sẽ mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vắc-xin đến Phuket theo mô hình “Phuket Sandbox”. Theo đó, du khách đến Phuket phải ở lại đây ít nhất 14 ngày trước khi có thể tiếp tục hành trình tới các điểm đến khác ở Thái Lan.

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn, sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. “Trước mắt, có thể áp dụng mô hình du lịch ít tiếp xúc, với các sản phẩm như golf, nghỉ dưỡng, do loại hình du lịch này có tính chất ít di chuyển, địa điểm thoáng, không tiếp xúc với nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm ít hơn. Tất cả các hoạt động này phải được giám sát chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan”, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam đề xuất.

Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, qua những lần phải căng mình ứng phó với sự bùng phát của Covid-19, thời điểm này, ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng đã sẵn sàng đảm bảo an toàn cho du khách theo chỉ đạo của Bộ Y tế… “Có thể nói, ‘hộ chiếu vắc-xin’ sẽ là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, giúp những địa điểm du lịch hay các hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn”, bà Xoan nói.

Để làm được điều này, cần phải có lộ trình, giải pháp và những bước đi thận trọng. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác