Viễn thông - Công nghệ
Dừng nhập khẩu điện thoại thế hệ cũ, bước khởi động lộ trình tắt sóng 2G, 3G
Tú Ân - 01/07/2021 20:28
Kế hoạch tắt sóng 2G, 3G vào năm 2022 đang được Việt Nam triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật là dừng nhập khẩu điện thoại thế hệ cũ.

Dừng nhập khẩu điện thoại thế hệ cũ

Giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật là dừng nhập khẩu điện thoại thế hệ cũ. Theo Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chỉ tính từ cuối năm 2019 đến cuối quý III/2020, số lượng điện thoại 2G đã giảm khoảng 6 - 7 triệu máy và đây là xu hướng giảm tự nhiên, chưa hề có sự can thiệp bằng các giải pháp thúc đẩy người dùng chuyển sang điện thoại thông minh (smartphone).

“Như vậy, đến thời điểm dự kiến dừng công nghệ 2G vào quý I/2022, cùng các giải pháp, chính sách thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng smartphone, số lượng máy điện thoại dòng phổ thông giảm xuống dưới 5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể còn nhanh hơn”, ông Cường nhận định.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 630.000 người trên 70 tuổi chỉ sử dụng điện thoại 2G. Trước đây, có ý kiến cho rằng, người già không thể sử dụng smartphone, hơn nữa, smartphone lại có giá khá cao, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được điện thoại 4G giá rẻ. Theo tính toán, cùng với sự hỗ trợ của các nhà mạng, sản phẩm điện thoại này có thể được bán với giá khoảng 600.000 đồng/chiếc.

Tính đến tháng 4/2021, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone, đã triển khai việc hỗ trợ, cung cấp tới người dân gần 80.000 chiếc smartphone giá rẻ thông qua các chương trình như hợp tác với nhà sản xuất và triển khai các gói cước hỗ trợ linh hoạt.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào Dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 trình Chính phủ. Theo đó, Chương trình dự kiến hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.

Cùng với Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT, những giải pháp này sẽ hạn chế nhu cầu sử dụng điện thoại 2G, 3G và tăng nhu cầu chuyển đổi sang smartphone 4G, 5G, chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình “khai tử” công nghệ cũ.

Tắt sóng 2G, 3G bằng kỹ thuật

Trong các cuộc họp giao ban định kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng phủ sóng 4G cho những nơi chất lượng sóng chưa tốt; thực hiện các chương trình tuyên truyền để người dân sử dụng thiết bị thông minh thay thế thiết bị cũ. Đồng thời, theo lộ trình, Cục Viễn thông sẽ ban hành thông tư về giảm giá dịch vụ thoại, nhằm hướng các nhà mạng không phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ kết nối thoại, chuyển dần sang tăng doanh thu từ dịch vụ dữ liệu.

Cùng với các giải pháp trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất phương án dừng công nghệ 2G, 3G sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Ngoài ra, đến tháng 9/2024, các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép tần số để triển khai mạng di động 2G, 3G hết hạn sẽ không được gia hạn.

Theo Cục Viễn thông, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đã có một số địa phương xung phong thí điểm dừng công nghệ cũ, thúc đẩy sử dụng smartphone như TP. Đà Nẵng, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh). Một số địa phương đã chủ động đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G. Việc thử nghiệm kỹ thuật và thử nghiệm thương mại 5G đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, giúp thúc đẩy mạnh nhu cầu của thị trường với công nghệ, thiết bị 5G..

Tính đến tháng 5/2021, các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone) đã triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng) với hơn 300 trạm phát sóng, tốc độ trung bình đạt 500 - 600 Mbps, nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Tin liên quan
Tin khác