Đầu tư
Dựng sớm kịch bản thu hồi vốn các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Anh Minh - 27/11/2021 08:26
Việc triển khai thu phí trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ giúp tái tạo đáng kể nguồn lực cho việc bảo trì và tiến hành đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc kế tiếp.
Việc triển khai thu phí trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giúp có nguồn lực đàu tư các dự án tiếp theo.

Khởi động sớm lộ trình

“Tôi cho rằng, việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ tổ chức thu phí 8 dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là cần thiết. Những gì đang diễn ra tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau khi dừng thu phí vào năm 2019 là bài học đắt giá”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) đánh giá.

Được biết, trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư toàn bộ, chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 31/12/2018. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, tuyến đường cao tốc trọng yếu từ TP.HCM về Đồng bằng sông Cửu Long đã tạm dừng thu phí.

Ngay sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Hiện vận tốc trung bình lưu thông trên tuyến giảm chỉ còn một nửa.

Bên cạnh đó, việc dừng thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã khiến Nhà nước không thu hồi được phần vốn hơn 10.000 tỷ đồng đã đầu tư, trong khi hàng năm tiếp tục phải bố trí hàng chục tỷ đồng bảo trì.

“Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, trong khi việc triển khai huy động vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống đường cao tốc chưa đạt được kỳ vọng, làm gia tăng gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước”, Chủ tịch VARSI cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, vào đầu tháng 10/2021, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 9860/TTr-BGTVT gửi Chính phủ phương án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tại Tờ trình, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giữa hai kỳ họp) xem xét, chấp thuận chủ trương tổ chức thu tiền thông qua trạm thu phí đối với người tham gia giao thông trên các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư và bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào Danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và Lệ phí.

“Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để có thể khởi động việc thu phí các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo yêu cầu của Quốc hội, trước mắt là 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đầu tư công đang được triển khai đầu tư”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Sau khi cơ sở pháp lý về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được hoàn thiện, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép triển khai các thủ tục và thực hiện đầu tư bổ sung hạ tầng thu phí, trang thiết bị, hệ thống phần mềm thu phí... trên các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ nguồn đầu tư công của các dự án.

Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, áp dụng thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.




Không lo chồng phí

Trước đó, vào cuối tháng 8/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 217/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo, khi Covid-19 diễn biến rất phức tạp hiện nay, việc đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc là chưa phù hợp, song cần nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, sẵn sàng trình cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, với tiến độ triển khai sắp hoàn thành của một số đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó, đoạn đầu tiên sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn) có thể hoàn thành vào cuối năm 2021, để thực hiện theo chủ trương của Quốc hội về thu hồi vốn trên các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư, cần chuẩn bị các bước như đầu tư các công trình, thiết bị, phần mềm phục vụ thu phí và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan…

“Các bước công việc này đều yêu cầu thời gian để triển khai. Do đó, việc trình Quốc hội phê duyệt chủ trương thu là cần thiết để làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị tiếp theo. Việc áp dụng thu cụ thể sẽ được xem xét tổ chức vào thời điểm phù hợp”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Được biết, tại Tờ trình số 9860, sau khi được Quốc hội chấp thuận, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT/Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí (căn cứ trên định mức chi tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền ban hành) để tổ chức thu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện giám sát công tác thu phí.

Mức thu phí dự kiến đối với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư là 1.000 - 1.500 đồng/PCU/km. Với mức thu phí này, Bộ GTVT tính toán sẽ thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 2.130 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu và bảo dưỡng công trình. Số phí thu được (sau khi trừ các khoản chi tổ chức thu phí) được nộp ngân sách nhà nước.

Để tạo sự thống nhất về công nghệ, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn tuyến (khoảng 1.200 tỷ đồng) theo tiến độ hoàn thành và tính liên thông giữa các dự án (kể cả các dự án BOT và của VEC).

Theo Bộ GTVT, với bản chất thu hồi vốn nhà nước cho ngân sách, nên phương án thu theo cơ chế phí cơ bản phù hợp với các quy định pháp luật.

Với đặc thù tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều có các tuyến đường song hành như Quốc lộ 1, đường Hồ chí Minh, đường ven biển và người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng các tuyến đường phù hợp, nên có thể nói là không có sự trùng phí (với phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện và phí sử dụng đường bộ cao tốc).

“Do các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều là nguồn vốn vay, lại có thêm những tuyến đường song hành, nên cần cân nhắc phương án thu phí sử dụng đường bộ để có thêm nguồn lực trả nợ sớm và giúp điều hòa, phân bố lại giao thông tại các khu vực, tránh gây quá tải dẫn tới hư hỏng công trình. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng vừa khai thác, vừa sửa chữa, gây tốn kém làm bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Trần Chủng đánh giá.

Kinh nghiệm đầu tư cao tốc của Trung Quốc và Nhật Bản

Trung Quốc xác định việc thu phí đường bộ (chủ yếu là đường cao tốc) là biện pháp hiệu quả để huy động và hoàn vốn xây dựng đường cao tốc. Toàn bộ các tuyến đường cao tốc, dù đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng đều được thu phí để hoàn vốn, vận hành, bảo trì và tái đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới.

Sau khi hoàn vốn, một số tuyến đường cao tốc ở Trung Quốc tiếp tục tiến hành thu phí Nguyên nhân là, việc chấm dứt thu phí làm lượng phương tiện đi cao tốc tăng đột biến, gây tình trạng tắc nghẽn giao thông và hư hỏng đường.

Nhật Bản đã thông qua cơ chế tài chính (thu phí sử dụng đường bộ cao tốc và thu phí nhiên liệu phương tiện đường bộ) để phát triển và mở rộng được hơn 10.000 km đường cao tốc.

Trong giai đoạn đầu, Chính phủ Nhật Bản sử dụng ngân sách để phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc, đồng thời bảo lãnh cho chính quyền trung ương và địa phương huy động vốn để xây dựng các dự án đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn. Giai đoạn tiếp theo, Nhật Bản đã thành lập các công ty đường cao tốc chịu trách nhiệm xây dựng đường với nguồn kinh phí được huy động từ các khoản vay, sau các công ty này chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay trong vòng 45 năm, với các nguồn thu từ đường bộ.
Tin liên quan
Tin khác