Doanh nghiệp
Dừng xe xăng, VinFast nhận ưu đãi 1,2 tỷ USD; MWG chấm dứt AVAFashion; Vietjet mở thêm đường bay
Khánh An tổng hợp - 17/07/2022 11:53
VinFast dừng xe xăng, nhận ưu đãi 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina; MWG chấm dứt giấc mơ theo con đường của Zara và H&M; Vietjet mở thêm 2 đường bay tới Busan; FLC và Seabank thay nhân sự.

VinFast công bố dừng xe xăng, nhận khoản ưu đãi 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina

VinFast vừa đồng loạt khai trương 6 trung tâm bán hàng (VinFast Store) đầu tiên tại California

Thông tin từ VinFast, VinFast nhận khoản ưu đãi 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang này. Thống đốc Roy Cooper đã ký phê chuẩn gói ưu đãi kinh tế này.

Nhà máy VinFast sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point tại hạt Chatham, bang Bắc Carolina với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2 tỷ USD.

Dự án có diện tích khoảng 800 ha, bao gồm 2 khu vực chính: sản xuất - lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện và khu công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp. Công suất dự kiến là 150.000 xe/năm, tập trung sản xuất ô tô điện, xe bus điện, cùng các ngành công nghiệp phụ trợ. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra hệ sinh thái các nhà cung cấp cũng như hàng ngàn việc làm tại địa phương, qua đó tạo ra những hiệu quả kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu khởi công vào nửa cuối năm 2022 và có khả năng đi vào sản xuất từ tháng 7/2024. Việc triển khai nhà máy một lần nữa khẳng định cam kết của VinFast trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư vào các địa bàn quan trọng trên khắp nước Mỹ cũng như trên toàn cầu.

Tại Bắc Carolina, VinFast sẽ là nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên và là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử bang cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, VinFast còn nhận được ưu đãi từ các tổ chức thương mại của bang Bắc Carolina, không thuộc ngân sách chính phủ, lên đến hàng trăm triệu USD.

Trong tuần qua, VinFast cũng chính thức công bố dừng kinh doanh ô tô chạy xăng, sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết. Từ nay đến cuối tháng 8/2022, VinFast sẽ tập trung sản xuất để bàn giao xe cho các khách hàng đã ký hợp đồng, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện.

Việc dừng kinh doanh xe chạy xăng diễn ra sớm hơn so với kế hoạch của VinFast là vào cuối tháng 12/2022 do lượng khách hàng đặt mua các dòng xe Lux và Fadil thời gian qua tăng đột biến. Các mẫu xe VinFast luôn nằm trong top các lựa chọn được yêu thích nhất thị trường theo từng phân khúc, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo khách hàng. Sau khi sản xuất đủ lượng xe trả các đơn hàng đã ký, VinFast sẽ chính thức đóng dây chuyền xe xăng để chuyển sang tập trung hoàn toàn vào sản xuất xe điện.

MWG chấm dứt giấc mơ đưa AVAFashion theo con đường của Zara và H&M

CTCP Đầu tư Thế giới Di động quyết định ngừng kinh doanh AVAFashion sau nửa năm thử nghiệm. 

Thế giới Di động quyết định ngừng kinh doanh AVAFashion 

Website của AVAFashion đã ngừng hoạt động từ ngày 29/6, qua đó đánh dấu hồi kết của chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang kể từ khi được ra mắt từ đầu năm 2022.

Tại thời điểm ra mắt, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết "dự định phát triển AVAFashion theo con đường của Zara và H&M: Đẩy mạnh R&D và thiết kế, sau đó đi thuê gia công. Đồng thời, AVAFashion sẽ cá nhân hóa phù hợp với hình thể của người Việt Nam hơn các nhãn hàng nước ngoài".

Tuy nhiên, mọi thứ dường như không diễn ra suôn sẻ khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa hồ hởi với thương hiệu mới của MWG. Ngoài ra, Thế giới Di động cũng chấm dứt kinh doanh với chuỗi cửa hàng trang sức AVAJi.

Trên thực tế, đây là những bước thử nghiệm của Thế giới Di động trong quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh ngành điện thoại lẫn điện máy đến lúc bão hòa.

Ngoài AVAFashion và AVAJi, Thế giới Di Động còn 4 chuỗi mới như TopZone, AVASport, AVAKids, và AVACycle. Trong đó, TopZone và AVAKids đang được CEO Đoàn Văn Hiểu Em đánh giá cao và dồn lực mở rộng. Hiện nay, MWG có tới 52 cửa hàng TopZone và 67 cửa hàng AVAKids.

Bên cạnh các chuỗi mới, Thế Giới Di Động cũng đang đẩy mạnh mạng lưới nhà thuốc An Khang, gần đây đã cán mốc 500 cửa hàng. 

Vietjet mở thêm 2 đường bay tới Busan

Hãng mở đường bay từ TP. HCM và Đà Nẵng tới Busan - thành phố biển nổi tiếng của Hàn Quốc, từ ngày 20/07 và 25/07. Trước đó, Vietjet mở bay Hà Nội - Busan từ ngày 01/07, đường bay Nha Trang – Busan sẽ mở lại từ ngày 21/07.

Vietjet đang khai thác 10 đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Tất cả 4 đường bay đến Busan được hãng phục vụ một chuyến bay khứ hồi hàng ngày cho mỗi đường bay. Mỗi chặng bay có thời gian dưới 5 tiếng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho biết, đường bay mới từ Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội và TP HCM đến Busan nâng tổng tổng số đường bay giữa hai nước của Vietjet lên 10 đường, dẫn đầu mạng bay với nhiều lựa chọn bay và chi phí tiết kiệm cho du khách từ mùa hè này để khám phá điểm đến yêu thích

Busan là thành phố biển nổi tiếng qua các bộ phim Hàn Quốc với phong cảnh thiên nhiên đẹp, kiến trúc đặc sắc của làng văn hóa Gamcheon, con đường ánh trăng Dalmaji. Busan còn là điểm đến mua sắm bất tận với hàng loạt khu trung tâm mua sắm lớn.

Bên cạnh 4 đường bay từ Busan, Vietjet hiện khai thác 6 đường bay từ Seoul đến Việt Nam. Các đường bay giữa Seoul (Incheon) và TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hiện được tăng lên 2 chuyến mỗi ngày. Các đường bay Phú Quốc, Nha Trang, Hải Phòng và Seoul thực hiện một chuyến khứ hồi hàng ngày.

Hàn Quốc đã mở lại cấp visa du lịch cho du khách quốc tế. Du khách Hàn Quốc được miễn visa Việt Nam khi lưu trú dưới 15 ngày.

Bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc SeABank

Bbà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc SeABank kể từ ngày 11/7 theo đơn từ nhiệm của cá nhân.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 11/7 theo đơn từ nhiệm của cá nhân.

Dù không còn là Tổng giám đốc, bà Thủy vẫn tiếp tục tham gia công tác quản trị SeABank với vai trò Phó chủ tịch HĐQT.

Bà Lê Thu Thủy sinh năm 1983, là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cựu Chủ tịch SeABank và hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT SeABank.

Bà Thủy tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. 

Bà Thủy đã có 15 năm gắn bó với SeABank và trải qua nhiều vị trí tại các bộ phận kinh doanh. Đến năm 2018, bà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng. 

Sau khi bà Thủy từ nhiệm, HĐQT SeABank đã thống nhất cử ông Faussier Loic Michel Marc, Phó tổng giám đốc cao cấp - làm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành hoạt động của SeABank trong thời gian trình Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm chính thức chức danh Tổng giám đốc.

Ông Loic Michel Marc Faussier (quốc tịch Pháp) trở thành Phó tổng giám đốc cao cấp của SeABank hồi tháng 6 vừa qua. Ông là thạc sĩ tài chính Đại học Paris Dauphine (Pháp), có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị rủi ro, tư vấn tài chính tại các tổ chức tài chính quốc tế như Citibank, HSBC… trước khi về Việt Nam.

HĐQT FLC chấp thuận đề nghị thôi chức của Phó tổng giám đốc Vũ Đặng Hải Yến

Bà Vũ Đặng Hải Yến là người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways 

Trong đơn xin thôi giữ chức vụ này, bà Yến cho biết thời gian tới, vì một số lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhiệm được công việc do HĐQT giao trên cương vị Phó tổng giám đốc.

Bà Yến là người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông Quyết.

Trước mắt, bà Yến sẽ thôi chức vụ trong ban tổng giám đốc, nhưng vẫn phụ trách một số công việc của ban đầu tư và ban pháp chế cho đến khi có tổng giám đốc mới.

Sinh năm 1978, bà Vũ Đặng Hải Yến là tiến sĩ Luật Kinh tế. Bà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc FLC lần đầu vào tháng 3/2017. Bà cũng từng là Trợ lý HĐQT của Tập đoàn FLC, Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC (hãng luật do ông Quyết sáng lập).

Ngoài ra, bà cũng có thời gian làm thành viên HĐQT của 2 doanh nghiệp liên quan FLC là Công ty cổ phần Xây dựng Faros và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD.

Trước khi gia nhập FLC, bà Vũ Đặng Hải Yến từng giữ vai trò Trưởng ban Pháp chế của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại (Trường Đại học Luật Hà Nội).

Tại phiên họp thường niên đầu tháng này, FLC đã kiện toàn đội ngũ nhân sự khi bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. Sau đó, ông Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch FLC đến năm 2026.

Tin liên quan
Tin khác