Ngân hàng - Bảo hiểm
Được bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ
Hà Nguyễn - 23/05/2017 08:07
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đề xuất việc cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.

Nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại

Chiều qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc, trong 4 năm (từ 2012 - 2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Đến cuối năm 2016, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

“Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả…

Nợ xấu vốn được các chuyên gia kinh tế ví là “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự phát triển của nền kinh tế, nếu không kịp thời xử lý, hệ lụy là khôn lường. Không những không khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, mà còn ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Điều này càng cần thiết hơn hết trong bối cảnh nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Được bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đó là cho phép được bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường.

Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.

Cũng theo Dự thảo Nghị quyết, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu cũng được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Đồng thời, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và được thỏa thuận việc phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31/12/2016.

Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý.

Tin liên quan
Tin khác