FPT Retail đưa ra kế hoạch vào năm 2022 sẽ cán mốc doanh thu 6.500 tỷ đồng từ 700 cửa hàng Long Châu, cùng số lãi 193 tỷ đồng. |
Mua chuỗi nhà thuốc Long Châu
FPT Retail dành cả năm 2018 để thử nghiệm và tìm ra công thức chung cho mục tiêu mở rộng quy mô chuỗi dược phẩm Long Châu, với số lượng cửa hàng đến năm 2021 gấp hơn 30 lần.
Trước đó, vào cuối 2017, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail - cá nhân đứng ra vay gần 71 tỷ đồng của Công ty để “âm thầm” mua 75% cổ phần 4 cửa hàng thuốc Long Châu. Suốt quá trình kinh doanh thử nghiệm, bà Điệp nói với báo chí rằng, đây là dự án cá nhân.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của FPT Retail vừa tổ chức, bà Bạch Điệp kể lại quá trình thử nghiệm mô hình Long Châu trong năm 2018, khi liên tục thay đổi địa điểm. Từ quyết định thử đặt cửa hàng tại tuyến đường đông dân cư, đến việc mở gần bệnh viện, gần chợ và thậm chí là xuất hiện kế cận đối thủ.
Đã có địa điểm thử nghiệm mang lại doanh thu rất tốt và lãi ngay trong tháng đầu tiên.
Thời điểm mua, Long Châu có 4 cửa hàng, mỗi tháng mất khoảng 100 triệu đồng do thuốc cận hạn sử dụng hoặc quá hạn. Hiện nay, con số này chỉ còn hơn 10 triệu đồng, cùng doanh thu mỗi ngày của chuỗi 22 nhà thuốc là 1,6 tỷ đồng.
FPT Retail dự kiến mức lỗ cho chuỗi Long Châu năm 2019 là 20 tỷ đồng, cùng doanh thu 500 tỷ đồng.
“Đến năm 2020, chuỗi nhà thuốc này sẽ đạt điểm hoà vốn và mang về 1.910 tỷ đồng doanh thu. Một năm sau đó, Long Châu sẽ có lãi 62 tỷ đồng, cùng tổng doanh thu khoảng 4.370 tỷ đồng”, bà Bạch Điệp tin tưởng.
Tại Đại hội cổ đông năm 2018, FPT Retail đưa ra kế hoạch chỉ mở khoảng 400 cửa hàng thuốc Long Châu đến năm 2022. Tuy nhiên, có thể sau quá trình tìm ra công thức chung, công ty này đã đưa ra kế hoạch tham vọng hơn, vào năm 2022 sẽ cán mốc doanh thu 6.500 tỷ đồng từ 700 cửa hàng Long Châu, cùng số lãi 193 tỷ đồng.
Ngoài thuốc, các cửa hàng Long Châu còn kinh doanh trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Đói no với “quả táo cắn dở”
Hiện 3 dự án đang được FPT Retail triển khai thử nghiệm, trong đó có mặt hàng điện máy. Trong khi đó, doanh nghiệp có lãi trên 347 tỷ đồng trong 2018 này đang gặp trắc trở với sản phẩm mang thương hiệu Apple.
“Năm ngoái, chúng tôi dự tính có khoảng 40% thị phần thị trường sản phẩm Apple được phân phối qua kênh xách tay, nhưng hiện nay có thể đã tăng lên 60%. Các phiên bản iPhone mới kinh doanh không thuận lợi và FPT Retail đang đề nghị hỗ trợ từ Apple, cũng như tạm thời dừng việc mở thêm cửa hàng F.Studio”, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ.
Trong Đại hội cổ đông năm 2018 của FRT, kế hoạch chuỗi 12 cửa hàng F-studio chuyên kinh doanh các mặt hàng của Apple sẽ được nâng lên khoảng 100 cửa hàng vào 4 năm tới, trong khi năm ngoái, chỉ có 2 cửa hàng F.Studio được mở mới.
Khi đó, bà Bạch Điệp mong muốn, thông qua F-studio, sẽ chứng minh FPT Retail là công ty có thế mạnh về các sản phẩm cao cấp, cùng việc được nhập trực tiếp iPhone, Macbook, iPad từ Singapore để tiết giảm chi phí trung gian.
Bù lại doanh thu cho chuỗi F.Studio, năm nay FPT Retail sẽ dồn lực vào mảng kinh doanh quan trọng là bán lẻ phụ kiện, cùng kỳ vọng mang về 1.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận gộp gần 500 tỷ đồng.