Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chưa thu phí trong giai đoạn đầu |
Theo kiến nghị của UBND TP Hà Nội và tổng thầu EPC, thời gian chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ kết thúc vào cuối quý I/2019, kết thúc thời hạn 6 tháng chạy thử tính từ tháng 9/2018.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết sau khi kết thúc chạy thử, tuyến metro đầu tiên của Hà Nội có thể khai thác thương mại từ tháng 4/2019. Thời gian đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí.
Tuy nhiên, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phải chờ kết quả đánh giá an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập của Pháp trước khi đưa vào sử dụng.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm, hiện dự án chỉ còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, bên trong nhà chờ... Sau khi kết thúc chạy thử, tổng thầu sẽ căn chỉnh trước khi được nghiệm thu, tiếp nhận và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, khai thác thương mại.
Khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động thương mại, Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh luồng tuyến, tần suất một số tuyến xe buýt để phù hợp với tuyến đường sắt này, đặc biệt các tuyến xe buýt hoạt động trên Quốc Lộ 6 (từ bến xe Yên Nghĩa tới Ngã Tư Sở). Trong đó có khoảng 34 tuyến buýt, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội phải điều chỉnh.
Các tuyến buýt sẽ được điều chỉnh theo hướng gom và giải toả khách cho đường sắt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Đồng thời, Hà Nội cũng dự tính xây dựng các điểm, bãi đỗ và gửi xe cá nhân tại các nhà ga, các phương thức giao thông để tiếp cận người đi bộ. Taxi sẽ không bị cấm khi tiếp cận các nhà ga này.
Mức giá vé cho tuyến đường sắt này được đề xuất khoảng 10.000 đồng/lượt, đã có trợ giá của ngân sách Hà Nội.
Được biết, hiện Hà Nội đang ban hành khung pháp lý và tiến tới xây dựng thẻ đi các phương tiện công cộng sẽ dùng chung cho cả đường sắt, xe buýt, đỗ xe…
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD. Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3 - 6 tháng.