Phối cảnh nút giao giữa đường Vành đai 3 TP.HCM với đường tỉnh 25C trên địa bàn Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai): Ảnh Baodongnai. |
Dự án tiến hành khởi công từ 18/6/2023, tuy nhiên đến nay công tác triển khai thi công còn chưa đáp ứng yêu cầu, theo đánh giá của Chính phủ.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 quyết định chủ trương đầu tư dự án này với tổng chiều dài 76,34 km theo quy mô đường cao tốc cấp 100, phân kỳ 4 làn xe.
Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, giao UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Theo báo cáo, đến tháng 9/2023 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu.
Tổng mức đầu tư của 8 dự án thành phần khoảng 68.728 tỷ đồng . Các dự án thành phần đều không tăng tổng mức đầu tư so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt, trong đó dự án thành phần 2 giảm 6.635 tỷ, dự án thành phần 4 giảm 15 tỷ.
Tổng số vốn đã bố trí năm 2023 khoảng 32.047 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương 16.159 tỷ đồng, ngân sách địa phương 15.888 tỷ đồng .Tổng số vốn Dự án đã giải ngân đạt 16.380/32.047 tỷ đồng đạt 51%.
Dự kiến nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án gồm: đất đắp nền đường: khoảng 1,6 triệu m3 ; cát đắp nền đường: khoảng 7,2 triệu m3 ; cát xây dựng: khoảng 1,5 triệu m3 ; đá xây dựng các loại: khoảng 4,4 triệu m3.
Báo cáo nêu rõ, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án; các đơn vị đã phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương; kết quả khảo sát đến nay nhu cầu vật liệu đất đắp, đá đủ cung cấp cho Dự án, còn lại nhu cầu cát xây dựng, cát đắp nền đáp ứng khoảng 80% nhu cầu Dự án.
Để giải quyết khó khăn, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Tổ công tác và các cơ quan liên quan khảo sát bổ sung, làm việc với các địa phương lân cận để điều phối, hỗ trợ, khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, nâng công suất mỏ. Đồng thời, để đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông trong dài hạn, đặc biệt là đối với khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển cho công trình giao thông, hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.
Theo đánh giá của Chính phủ, Dự án tiến hành khởi công từ 18/6/2023, tuy nhiên đến nay công tác triển khai thi công còn chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ và thi công thử một số hạng mục cọc khoan nhồi, đào bóc hữu cơ, xử lý đất yếu... còn lại dự án thành phần 3 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới động thổ gói thầu rà phá bom mìn, chưa khởi công các gói thầu xây lắp.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp, chủ yếu tập trung vào chi phí tư vấn, tạm ứng hợp đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong đó giải ngân xây lắp là 1.969 / 9.137 tỷ (đạt 22%), giải ngân giải phóng mặt bằng là 14.412 / 22.910 tỷ đồng (đạt 63%).
Chính phủ cũng nêu khó khăn trong thời gian tới các dự án cao tốc đồng loạt triển khai thì nguồn cung về vật liệu cát sẽ có nguy cơ thiếu hụt.
Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu Dự án, báo cáo nêu.