Đầu tư
Đường ven biển - đại lộ tăng trưởng của Quảng Nam
Hoàng Anh - 03/08/2022 08:05
Đại lộ ven biển sẽ tạo đòn bẩy để vùng Đông của tỉnh Quảng Nam tăng tốc phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn.
Tuyến đường ven biển hình thành mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quảng Nam.



Mở lối trên cát

Với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng, Dự án Đường Võ Chí Công giai đoạn II, tuyến đường ven biển chạy dọc theo vùng Đông của tỉnh Quảng Nam đang thi công những công đoạn cuối để hoàn thành đưa vào sử dụng. Quảng Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào tuyến đường chiến lược này, với dự báo về một làn sóng đầu tư lớn sẽ đổ về địa phương.

Dự báo này của Quảng Nam là có cơ sở. Trước đó, năm 2016, cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển nối từ Hội An vào Tam Kỳ được khánh thành. Ngay lập tức, cả một vùng Đông rộng lớn chuyển động mạnh mẽ.

Những bãi biển bị che lấp bởi rừng dương và đồi cát heo hút trải dài được “đánh thức”; cuộc sống người dân đổi thay từng ngày. Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã trao các quyết định chủ trương đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu, chứng nhận đầu tư cho 33 dự án, tổng vốn đăng ký 15,8 tỷ USD, gấp 3 lần lượng vốn của 20 năm thu hút đầu tư vào vùng Đông cộng lại. Từ ngày có tuyến đường ven biển, vùng Đông trở thành nơi có mức tăng trưởng cao nhất Quảng Nam.

Một trong những dự án có tính chất “mở lối” trên vùng cát ở Quảng Nam là Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (Hoiana), tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, dự án lớn nhất đầu tư vào vùng Đông, do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư.

Mở cửa hoạt động từ tháng 6/2020, “siêu dự án” Hoiana nhanh chóng trở thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới với hai giải thưởng danh giá tại Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 (World Travel Awards - WTA) và Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) năm 2020. Bên cạnh đó, Hoiana được vinh danh là Dự án Phát triển du lịch hàng đầu châu Á; Hoiana Shores Golf Club vinh dự nhận giải thưởng Sân golf mới tốt nhất thế giới.

Dự án Hoiana được triển khai đã tạo biến chuyển lớn cho quá trình phát triển vùng Đông của Quảng Nam. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An vẫn đóng góp 1.764 tỷ đồng vào ngân sách. Dự kiến, từ năm 2022 đến năm 2025, Công ty sẽ đóng góp vào ngân sách tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Hoiana là nơi làm việc của gần 1.500 lao động, trong đó, hơn 50% lao động là người Quảng Nam và Đà Nẵng. Vừa qua, Hoiana đã tổ chức chuỗi Ngày hội Việc làm tại địa phương nhằm thu hút và tuyển dụng thêm nhân sự trong khu vực, phục vụ việc mở rộng và nâng cao dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh.

Trước tiên, tỉnh sẽ phải làm tốt công tác quy hoạch; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tầm vóc hơn, có thương hiệu quốc gia, hướng tới hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, hạn chế chia nhỏ Dự án.

- Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Đặc biệt, từ những ngày đầu xây dựng  Dự án Hoiana, yếu tố bền vững luôn được chú trọng. Từ tháng 8/2018 đến nay, Dự án đã dành hơn 23 tỷ đồng đóng góp vào công tác xã hội, hỗ trợ sinh kế cho các địa phương ở Quảng Nam, như cải tạo, hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo nghề du lịch Quảng Nam - Hoiana; hỗ trợ máy móc, thiết bị y tế trong đợt dịch Covid-19, tài trợ và đồng hành cùng nhiều hoàn cảnh khó khăn...

Có thể thấy, việc hình thành tuyến đường ven biển đã góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến đầu tư xây dựng dự án, tạo động lực tăng trưởng cho vùng Đông. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay mới chỉ có 2 dự án là Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (Hoiana) và Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động, những dự án đăng ký khác đều chưa thể triển khai. Nguyên nhân đã được chính quyền tỉnh Quảng Nam chỉ rõ, đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực, khó khăn trong thủ tục đất đai…

“Siêu dự án” Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (Hoiana) hoàn thành đã mở lối đầu tư vào vùng Đông Quảng Nam

Chờ đợi bùng nổ

Những vướng mắc, khó khăn trong phát triển vùng Đông đã được chính quyền tỉnh Quảng Nam nhận diện và ráo riết tháo gỡ. Để vùng Đông thực sự trở thành cực tăng trưởng, Quảng Nam đang xúc tiến hoàn thành những dự án hạ tầng trọng điểm.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) kéo dài qua TP. Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần: dự án thành phần 1 hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công; dự án thành phần 2 xây dựng đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H và Quốc lộ 1A.

Song song với đó, Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư 118,7 triệu USD cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án sẽ nạo vét và khơi thông sông Trường Giang; xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang, gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh (Quốc lộ 40B) và cầu Tam Tiến.

Quảng Nam cũng đang lập quy hoạch xây dựng vùng Đông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đưa ra định hướng xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ. Đây là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển. Trong đó, tỉnh định hướng đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị; trung tâm dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu…

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung, vì tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là ở vùng Đông. “Mỗi nhóm ngành đều có một ‘sếu đầu đàn’ dẫn dắt. Không chỉ các dự án đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang có ý định hợp tác, đủ cho Quảng Nam tạo ra những đột phá để bùng nổ đầu tư”, TS. Trần Du lịch chỉ rõ.

Chia sẻ về chủ trương thu hút đầu tư của địa phương, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, các dự án lớn tại khu vực vùng Đông vẫn còn khá ít so với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, không vì thế mà Quảng Nam vội vàng lấp đầy dự án.

“Quảng Nam không vội vàng lấp đầy các dự án khu vực vùng Đông, vì nếu thế thì không có cơ hội đón đầu các nhà đầu tư lớn. Trước tiên, tỉnh sẽ phải làm tốt công tác quy hoạch; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tầm vóc hơn, có thương hiệu quốc gia, hướng tới hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, hạn chế chia nhỏ dự án”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, tỉnh sẽ tiến hành rà soát những nhà đầu tư đăng ký mà không thực hiện để xem xét thu hồi dự án.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đầu tư vào vùng Đông Quảng Nam. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Thành phố thông minh sân bay Chu Lai, khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái tại khu vực phía Bắc Khu kinh tế mở Chu Lai. Liên danh các nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư SSF - Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes - Truth Assets Management Pte. Ltd. đề xuất nghiên cứu Dự án Khu đô thị công nghệ cao Nam Thăng Bình. Tập đoàn FPT, Sun Group, Novaland, Panko nghiên cứu đầu tư các dự án khu đô thị...

Với sự quan tâm của những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, vùng Đông Quảng Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc phát triển.

Tin liên quan
Tin khác