Đầu tư
Dứt khoát “chuyển” vốn, nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm
Hà Nguyễn - 12/09/2021 10:55
Trong 8 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Các biện pháp mạnh tay hơn sẽ được thực hiện để nhanh đưa nguồn lực này vào nền kinh tế.
Công trường thi công đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

8 tháng, mới giải ngân được 40,6% kế hoạch

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Theo con số được báo cáo Chính phủ mới đây, ước giải ngân đến ngày 31/8/2021 là trên 187.000 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%). 

Lý giải cho việc tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do “đặc thù” của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, nên một số dự án khởi công mới phải chờ tới khi Kế hoạch được Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thông qua, mới được giao kế hoạch. Cũng vì lẽ đó, tới thời điểm này, còn gần 62.000 tỷ đồng chưa được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết, bằng 13,4% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và ở các địa phương thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa kể, dịch bệnh cũng khiến công tác lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng khó khăn, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Việc giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi... cũng tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Còn với các dự án ODA, vướng mắc “trải dài” từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... Việc giải ngân vốn ODA chậm cũng còn do nhiều dự án thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, công tác đấu thầu...

Giải ngân vốn đầu tư công đang chậm và có vẻ như “bệnh đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” của đầu tư công vẫn đang tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, cần đánh giá sát thực tế hơn, bởi 8 tháng năm nay, giải ngân được hơn 40% kế hoạch, trong khi cùng kỳ năm 2020 - năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm 2016 - 2020 cũng chỉ đạt 46%. Điều đó chứng tỏ, tốc độ giải ngân nhanh của năm 2020 vẫn là vào những tháng cuối năm.

Gánh nặng cuối năm

8 tháng mới giải ngân được hơn 40% kế hoạch. Và vẫn còn 62.000 tỷ đồng chưa được phân bổ. Thậm chí, nếu tính cả 16.000 tỷ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ, thì tổng vốn kế hoạch vốn ngân sách năm 2021 chưa phân bổ bằng tới 16,3% kế hoạch Quốc hội quyết định. Điều đó có nghĩa, gánh nặng phân bổ hết vốn và giải ngân đang đặt vào những tháng cuối năm.

Theo mục tiêu được Chính phủ đặt ra, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60%.

Để tăng tốc giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 4 giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong những tháng cuối năm, trong đó có việc nhanh chóng hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch các dự án dự kiến khởi công mới, cũng như sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, căn cứ tình hình thực tế đề ra các giải pháp khả thi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tập trung thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình. Những tỉnh là tâm điểm của đại dịch tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Một giải pháp quan trọng khác, đó là đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, cũng như Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Hiện nay, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các dự án đầu tư đang tích cực làm việc với các địa phương, như Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên… để tháo gỡ từng khúc mắc cho các dự án, bao gồm cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư kinh doanh nói chung. Hàng chục vướng mắc đã được các địa phương này báo cáo với Tổ công tác, với mong muốn sớm gỡ được rào cản, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Song song đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư, kinh doanh vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Nơi nào không giải ngân được thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt”. Dự kiến, tới đây, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp. 

Theo kế hoạch, hết tháng 9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp rà soát để điều chuyển vốn giữa các nơi giải ngân chậm và giải ngân tốt.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2021, có 10 bộ, ngành và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (40,6%). Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Quảng Ninh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bình Phước, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa... Trong khi đó, có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác