Y tế - Sức khỏe
Duy trì đấu thầu thuốc tập trung hay giao cho cơ sở?
Mộc An - 03/08/2022 17:34
Khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc tập trung gây ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo nhiều ý kiến, nên giao đấu thầu thuốc cho các cơ sở thay vì tập trung như hiện tại.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang gây nhiều khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh.



Nhiều bất cập

Đề cập tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua, Bộ Y tế thừa nhận, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám triển khai đấu thầu, mua sắm của một số địa phương, đơn vị. Ngay cả khi một số địa phương đã giao các đơn vị chủ động tự đấu thầu thay vì đấu thầu tập trung, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Về phía cơ sở, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra nguyên nhân làm chậm triển khai đấu thầu là do các bệnh viện lúng túng trong phân loại danh mục thuốc đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Theo đó, nếu chờ kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, quá trình mua sắm, đấu thầu thuốc và vật tư y tế thường bị kéo dài 4 - 6 tháng. Còn nếu chủ động đấu thầu, thì nguy cơ cao là khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thường có giá đấu thầu thấp hơn giá mua của các bệnh viện và tất nhiên sẽ sai phạm khi bị thanh tra, kiểm tra.

Tại cuộc Tọa đàm Rà soát - Kiến nghị các quy định pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu, mua sắm và đấu thầu trang thiết bị y tế và thuốc tân dược do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM vừa qua, đại diện Hội Thiết bị y tế TP.HCM chỉ rõ một số bất cập trong công tác đấu thầu khiến việc mua sắm trang thiết bị y tế bị hạn chế tính cạnh tranh, không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo ghi nhận, đa số hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi nhà thầu phải có ít nhất 2 - 3 hợp đồng tương tự với những ràng buộc rất chi tiết, đúng chủng loại với thiết bị mời thầu. Vật tư tiêu hao cũng phải đúng chủng loại mới đáp ứng được hồ sơ mời thầu, trong khi hợp đồng tương tự về tính năng kỹ thuật thì mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Một bất cập khác là các hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi giá trị của các hợp đồng tương tự lớn hơn 2/3 giá trị trong hồ sơ mời thầu. Điều này đã hạn chế số nhà thầu tham dự trong khi lợi ích đem lại cho chủ đầu tư không đáng kể. Chưa kể, chủ đầu tư có thể bắt tay với đối tác và công ty thẩm định giá nâng giá trị hợp đồng để loại bỏ các nhà thầu khác.

Hay, yêu cầu về giấy ủy quyền được xem như ưu tiên số một để tham gia vào quá trình đấu thầu. Nếu nhà thầu nào không có giấy ủy quyền của hãng hoặc đại diện hãng, thì không thể dự thầu vào vòng trong, dẫn đến hạn chế tính cạnh tranh, dễ đẩy giá thầu lên cao và dễ phát sinh tiêu cực.

Để bệnh viện tự chủ đấu thầu?

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do tình trạng chậm đấu thầu gây ra, một số ý kiến cho rằng, nên bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, bệnh viện, cơ sở tự quyết.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, bản chất của đấu thầu dễ nảy sinh tiêu cực nếu kiểm soát không tốt. Bên cạnh đó, đấu thầu tập trung cũng tiêu hao nguồn nhân lực của bác sĩ, nhân viên y tế, thay vì lo nâng cao chuyên môn thì lại phải lo tập trung mua sắm.

Để giúp các cơ sở y tế có thể chủ động trong việc tìm nguồn thuốc, vật tư y tế, theo bà Lan, nên giao các bệnh viện quyền tự chủ. Bệnh viện nào tìm được nguồn thuốc vừa rẻ vừa chất lượng sẽ mang lợi ích cho bệnh nhân, nhân viên của bệnh viện cũng sẽ được thu nhập cao. Đây sẽ là động lực để các bệnh viện nỗ lực thực hiện.

Một số ý kiến khác đề xuất, nên bỏ hẳn công tác đấu thầu thuốc; mỗi bệnh viện công sẽ tính định suất dựa trên số lượng bệnh nhân, hằng năm trung bình dùng bao nhiêu thuốc. Bảo hiểm y tế sẽ dùng các kỹ thuật tính toán với nguồn quỹ, giao cho mỗi bệnh viện một mức kinh phí để đơn vị chủ động mua các loại thuốc phù hợp nhu cầu, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, Nhà nước vẫn đảm bảo cân đối nguồn chi, kiểm soát được ngân sách.

Việc này giúp tiết kiệm nhân lực, tài lực tham gia đấu thầu; các bác sĩ, nhân viên y tế bớt áp lực; sẽ có nhiều loại thuốc đúng nhu cầu để kê đơn cho bệnh nhân, thay vì bắt buộc sử dụng các thuốc giá rẻ đã trúng thầu.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì cho rằng, đấu thầu tập trung cơ hội nhiều, nhưng nguy cơ cũng lớn. Chẳng hạn, nếu địa phương có nhu cầu sử dụng thuốc lớn, song chỉ một đơn vị trúng thầu, năng lực đáp ứng sẽ là vấn đề. Trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng, thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Với đấu thầu riêng lẻ từng bệnh viện, điểm bất lợi là giá cả cao - thấp khác nhau, cơ quan bảo hiểm khó khăn trong thanh toán, khó giải thích vì sao thanh toán bệnh viện này thấp hơn bệnh viện kia. Nếu mua sắm tập trung một mối, thì giá cả sẽ thống nhất, dễ dàng thanh toán.

Về vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) nêu quan điểm, đã đến lúc Việt Nam nên nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đưa ra mức giá trần. Từ đó, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự mua sắm ở các các đơn vị cung ứng theo mức giá này.

Còn theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cần thiết duy trì công tác đấu thầu trong đầu tư công của ngành y tế. Để giải quyết những hạn chế cố hữu liên quan tới công tác đấu thầu thuốc hiện tại, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, trong đó có sự phân biệt giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó phân loại cụ thể những loại thuốc, vật tư nào không cần tham gia đấu thầu, qua đó giao quyền chủ động cho cơ sở.

Tin liên quan
Tin khác