[Emagazine]
TS. Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công của Tập đoàn Meta tại Đông Nam Á:
VIỆT NAM CÓ THỂ TRỞ THÀNH “CON RỒNG AI” TRONG KHU VỰC
Nền kinh tế số có sự đóng góp nhất quán vào GDP của Việt Nam trong 4-5 năm qua. Theo dữ liệu từ Google, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, ở mức 28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023, cao gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Có một số yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này, bao gồm một tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, dân số trẻ, tập trung vào sự đổi mới và tầm nhìn cấp tiến của chính phủ về phát triển kỹ thuật số trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với chính phủ để phát triển các chương trình, thúc đẩy sự đổi mới, xây dựng năng lực, và nuôi dưỡng nguồn nhân tài.
Meta đến từ Hoa Kỳ là một trong những tập đoàn đã và đang góp sức trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI tại Việt Nam. Là một nền tảng toàn cầu với gần 4 tỷ người dùng, bao gồm các dịch vụ như Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads, Meta đã và đang hỗ trợ Việt Nam kết nối toàn cầu và nắm bắt các cơ hội từ AI.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công của Tập đoàn Meta tại Đông Nam Á, người có bề dày kinh nghiệm với gần 20 năm làm việc ở Đông Nam Á, với tư cách là một cựu nhà báo và vai trò hiện tại ở Tập đoàn Meta đã nhận định, Việt Nam có thể trở thành “con rồng AI” trong khu vực.
1.TÔI YÊU CÁCH VIỆT NAM LUÔN TẬP TRUNG VÀO VIỆC TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC
TS. Rafael Frankel, ông đã đến Việt Nam lần đầu tiên khi nào? Ông ấn tượng thế nào về đất nước Việt Nam trong chuyến đi đó?
Tôi vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên đến Việt Nam, đó là ngày 11/9/2001 - một ngày lịch sử trong lịch sử nước Mỹ và lịch sử toàn cầu, khi tôi còn là nhà báo ở Bangkok (Thái Lan). Bởi, chính trong đêm đó đã xảy ra vụ tấn công khủng bố ở New York và Tòa Tháp Đôi bị đánh sập. Tôi đã rất sốc và tôi nghĩ mọi người đều như vậy.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời đối với tôi là vào ngày hôm sau, bạn bè, đồng nghiệp ở nơi tôi đang làm việc và cả lãnh đạo, nhân viên ở khách sạn nơi tôi lưu trú đều đến hỏi thăm tôi và muốn biết tôi cùng gia đình tôi có cần giúp đỡ gì không? Điều đó khiến tôi ấn tượng mạnh, bởi đây là những người tôi mới gặp, thậm chí có người còn không biết tôi. Tôi thực sự bị choáng ngợp bởi tình bạn và sự ấm áp của người dân Việt Nam. Và không chỉ ở lần đầu tiên đó, sau này, mỗi lần đến Việt Nam, tôi đều có cảm giác như vậy.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi có một số công việc tại Hà Nội. Sau đó, tôi bắt chuyến tàu đêm lên Sapa (Lào Cai). Tôi đã đi bộ đường dài và leo núi. Lúc đó, tôi nghĩ, đây là đất nước đẹp nhất. Và tôi rất thích Việt Nam. Kể từ đó, tôi luôn có ý định quay trở lại Việt Nam thật nhiều lần, và tôi đã luôn tận hưởng tất cả những khoảng thời gian khi có cơ hội tới đây. (cười tươi)
So với 23 năm trước, ông thấy Việt Nam hiện nay đã thay đổi như thế nào?
Hơn hai thập kỷ trước, với tôi, Việt Nam thực sự là một quốc gia chưa phát triển, không chỉ so với Hoa Kỳ. Khi tôi mới đến đây, tôi đã sống ở Thái Lan rồi. Nhưng thậm chí so với Thái Lan, Việt Nam lúc đó cũng chưa bằng, về cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế...
Nhưng sau 23 năm, Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác. Tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế ở đây thật đáng kinh ngạc. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn là tôi không thấy tính cách, con người Việt Nam nguyên bản có sự thay đổi. Tôi vẫn thấy người Việt Nam thân thiện một cách đáng nể. Tôi luôn nhận thấy họ là những người vô cùng quyết tâm, có tinh thần kinh doanh, tò mò về thế giới và luôn hướng tới tương lai. Và tôi nghĩ tất cả những đặc điểm đó vẫn hoàn toàn đúng, cùng với những món ăn tuyệt vời. Tôi rất mong Việt Nam duy trì được đặc tính đó, đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ như hiện tại.
Những thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã thay đổi rất nhiều. Và cực kỳ dễ nhận thấy điều đó, nhất là mức độ phát triển của các tòa nhà và công trình xây dựng mới, số lượng các nhà hàng, hay lượng du khách quốc tế và người nước ngoài đến đây. Đặc biệt là số lượng các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế phát triển nhanh chóng...
Tôi nhớ, lần đầu tiên đến Hà Nội năm 2001, cả thành phố có lẽ có khoảng vài chục chiếc ô tô và mọi thứ rất khác bây giờ. Vì vậy, có rất nhiều thứ đã thay đổi ở nơi đây. Nhưng điều đáng chú ý là sự tiến bộ về công nghệ mà Việt Nam đã đạt được thực sự đáng kinh ngạc.
Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, tôi từng đến một trong những quán cà phê Internet cũ, nơi họ có modem và kết nối Internet rất chậm, tôi phải mất vài phút chỉ để gửi một email. Nhưng bây giờ, hầu hết người dân đều có điện thoại thông minh và sử dụng kết nối 5G. Sự thay đổi này nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tôi may mắn có cơ hội nhìn thấy sự phát triển công nghệ của Đông Nam Á, không chỉ các thành phố, mà cả các vùng nông thôn. Tôi thấy, không quốc gia nào thay đổi nhanh hơn Việt Nam.
Trở lại Việt Nam lần này, tôi thất tuyệt! Rất tuyệt! Thức ăn ở đây ngon tuyệt vời, con người tuyệt vời, và còn rất nhiều cơ hội thú vị nữa. Tôi yêu cách Việt Nam luôn tập trung vào việc tiến về phía trước. Đây là một nơi thực sự sôi động, và nó mang lại cho tôi rất nhiều năng lượng.
2. CÓ RẤT NHIỀU CÁCH ĐỂ META HỢP TÁC VỚI CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
Thật vui khi được nghe điều này. Ông có thể chia sẻ với chúng tôi về hành trình gắn bó của ông với Tập đoàn Meta được không?
Tôi bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Meta vào tháng 10/2018. Đó là một hành trình tuyệt vời. Bạn biết đấy, điều tôi thấy thực sự thú vị là một năm làm việc ở Tập đoàn Meta có cảm giác như 5 hoặc 10 năm so với khi làm việc ở nơi khác. Tôi thực sự rất thích trải nghiệm này, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã không trải qua những khoảng thời gian khó khăn. Công ty đã có rất nhiều thay đổi, nhưng tôi rất lạc quan về tương lai của Meta.
Xét về các sản phẩm mà chúng tôi đưa ra thị trường, số lượng người sử dụng dịch vụ hiện rất lớn, với khoảng 4 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Thật khó để hình dung con số đó lớn đến mức nào. Đó là một cộng đồng lớn nhất từng tồn tại trong lịch sử loài người. Và do đó, có rất nhiều sự lạc quan về vị thế của công ty chúng tôi. Tôi cũng yêu Đông Nam Á, một phần trong thế giới người dùng các mạng xã hội của Meta.
Trong vai trò tại Meta, tôi đến Đông Nam Á lần đầu tiên cách đây 4 năm, ở Bangkok. Đông Nam Á đã thay đổi rất nhiều. Một số quốc gia của Đông Nam Á thay đổi nhiều hơn những nơi khác. Việt Nam chắc chắn là một trong những quốc gia có nhiều thay đổi nhất.
Như ông nhận định, công nghệ, nền kinh tế số của Việt Nam quả thực đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Được biết, Tập đoàn Meta và Chính phủ Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài và đáng tin cậy trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Khi chúng ta đang đi đến điểm giữa của Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia của Việt Nam, ông có thể chia sẻ về việc Meta đã và đang đóng góp vào việc thúc đẩy chương trình này như thế nào?
Có rất nhiều chương trình và quan hệ đối tác khác nhau mà chúng tôi thực hiện với Chính phủ Việt Nam. Tôi có thể điểm qua một số công việc ưu tiên của chúng tôi liên quan đến lĩnh vực nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số.
Meta có một chương trình mang tên We think Digital, nơi chúng tôi đã đào tạo gần 1 triệu người trên khắp Việt Nam các kỹ năng về kỹ thuật số. Những kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với thế kỷ 21 và giúp mọi người hiểu được những cách phù hợp để vận hành trực tuyến. Có lẽ, chúng tôi sẽ vượt mốc một triệu người trong năm nay. Và tôi nghĩ chương trình đã lan khắp cả nước, ở ba miền Bắc - Trung - Nam và hầu hết các tỉnh, thành.
Đặc biệt, chúng tôi đã có mối quan hệ đối tác tuyệt vời với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm cả chương trình chúng tôi đã thực hiện ở đây ngày 18/3/2024, đó là phát động năm thứ hai, chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam. Năm 2023, chúng tôi đã tổ chức sự kiện này năm đầu tiên. Chúng tôi đã có hơn 60.000 lượt bày tỏ sự quan tâm, 750 đơn đăng ký, và có 12 đội chiến thắng. Năm nay, chúng tôi tiếp tục phát triển chủ đề về AI và chất bán dẫn. Mục đích chung là mang đến những giải pháp sáng tạo giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam.
Ngoài ra, có một số cách khác mà chúng tôi đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi làm việc rất nhiều với các nhà sáng tạo Việt Nam và cung cấp các kỹ năng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi có chương trình She means business, đã đào tạo cho hàng chục nghìn nữ doanh nhân trên cả nước các kỹ năng về kinh tế số. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những chương trình tương tự.
Có rất nhiều cách để chúng tôi hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong tương lai.
3. CHƯƠNG TRÌNH THỬ THÁCH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VIỆT NAM 2024 TẬP TRUNG VÀO AI VÀ CHẤT BÁN DẪN
Chúng tôi rất quan tâm đến chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2024, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Meta. Được biết, chương trình đã nhận được hàng trăm đơn đăng ký không chỉ từ Việt Nam, mà còn từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Đài Loan, Hồng Kông. Chương trình đã đạt được thành công đáng kể, thưa ông?
Mục tiêu chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2024 là cung cấp những giải pháp đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số. Và một trong những hạng mục chúng tôi xem xét là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Tôi muốn chia sẻ về một trong những đội chiến thắng năm ngoái. Họ đã phát triển được một nền tảng, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có thể thực hiện tất cả các hoạt động mà họ cần, cho dù đó là nhân sự, bán hàng, kế toán, đều nằm trong cùng một ứng dụng. Và ứng dụng đó hiện được hơn 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với hơn 100.000 người sử dụng.
Những con số đó phần nào cho thấy sức mạnh mà một ứng dụng được phát triển nhờ sự đổi mới của Việt Nam trong Thử thách Đổi mới Việt Nam đã mang đến cho thị trường. Và tôi nhấn mạnh, đó chỉ là một trong 12 đội chiến thắng. Vì vậy, hãy nghĩ xem chương trình có thể đạt được những thành quả đáng kinh ngạc như thế nào theo thời gian, phải không?
Năm nay, như tôi đã đề cập, chủ đề là AI và chất bán dẫn. Tại sao lại là chủ đề này? Với chất bán dẫn, Việt Nam sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm của tương lai. Và với AI, Việt Nam có cơ sở hạ tầng mềm của tương lai. Và, điều tuyệt vời của AI là nó gần giống như một tờ giấy trắng, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn. Vì vậy, hãy nghĩ đến việc các doanh nhân Việt Nam và những gì họ có thể đạt được với các công cụ AI mà Meta và các công ty khác như chúng tôi sắp đưa ra thị trường, thực sự rất đáng kinh ngạc.
Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2024 được công bố ngày 18/3. Ông có thể chia sẻ thêm một số điểm chính của Chương trình năm nay không?
Theo tôi, điểm đáng chú ý nhất của chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm nay là chủ đề tập trung vào AI và chất bán dẫn. Và đây chính là thời điểm để thực hiện điều đó.
Đây là thời điểm quan trọng của AI. Tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy vào năm 2023, là năm mà thế giới thức tỉnh với AI và tiềm năng mà AI mang lại cho tất cả chúng ta. Và vì vậy, điều chúng tôi thực sự muốn thúc đẩy bây giờ là đưa Việt Nam tham gia vào thời điểm mở đầu quan trọng của kỷ nguyên AI, và đảm bảo rằng Việt Nam là một trong những quốc gia nắm bắt được thời điểm này khi mọi thứ đều có thể.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể trở thành “con rồng AI” trong khu vực. Và đây thực sự là điều chúng tôi đang tập trung. Hãy sử dụng những công cụ AI đang được đưa ra thị trường làm đòn bẩy tăng tốc mạnh mẽ cho người Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe...
Tôi nghĩ, điều tuyệt vời nhất về AI là tạo ra một sân chơi trống như tôi đã nói trước đó, hạn chế duy nhất là bạn có thể tưởng tượng những gì. Mọi người đã nói về ứng dụng của AI trong các lĩnh vực khác nhau: các loại dược phẩm mới để giải quyết bệnh tật, nâng cao giáo dục, chống biến đổi khí hậu…
Tôi vừa nói chuyện với một nhân vật, người này nghĩ rằng có thể xây dựng một ứng dụng để hạn chế nạn săn trộm động vật hoang dã. Điều đó cho thấy, không có giới hạn nào cả, phải không?
4. CHƯƠNG TRÌNH THỬ THÁCH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VIỆT NAM SẼ THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ SỐ TIẾN LÊN
Đây là những điều thực sự đáng chú ý. Vậy, trong bức tranh lớn hơn, ông có nhận định gì về vai trò của chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam cũng như các sáng kiến tương tự khác của Meta sẽ đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số của Chính phủ Việt Nam?
Tôi nghĩ theo thời gian, điều chúng ta muốn thấy là chương trình Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam và các công nghệ mà nó giúp phát triển đóng vai trò như một hệ số nhân để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam và cả khu vực cũng như thế giới.
Trên thế giới có một số công nghệ nhất định và một số chương trình nhất định gần như luôn đóng góp vững chắc giúp nền kinh tế phát triển. Chúng tôi gọi những sáng tạo như vậy là "hockey stick growth" hoặc "J curve". Đó là mục tiêu mấu chốt. Điều kỳ diệu của sự đổi mới là bạn sẽ cần thử rất nhiều, một số thứ sẽ không hiệu quả, nhưng chỉ cần một số ít thực sự hiệu quả cũng có thể mang lại những tác động cực kỳ to lớn, giúp thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tiến lên.
Tôi tin là Meta cũng ra đời từ một trong những sáng kiến như vậy, thưa ông?
Chính xác là như vậy. Bạn hãy nhìn xem, 20 năm trước, có ai nghĩ rằng Meta giờ đây sẽ được 4 tỷ người trên thế giới sử dụng không? Có ai tưởng tượng rằng, Meta và Facebook, Instagram, WhatsApp, Messenger sẽ là một công cụ hữu ích dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiếp cận khách hàng không? Có ai nghĩ rằng, đó sẽ là cách duy nhất mà mọi người ở đó để giao tiếp trên khắp thế giới không? Không, nhưng chúng tôi đang ở đây. Và vì vậy, nếu chỉ một vài giải pháp đổi mới và những người chiến thắng dự án trở thành nhân tố lớn tiếp theo, thì đây sẽ là một thành tựu đáng kinh ngạc và sẽ thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam tiến lên phía trước.
5. TẤT CẢ CÁC SẢN PHẨM META AI KHÁC NHAU SẼ CÓ MẶT TẠI VIỆT NAM
Một số người thậm chí còn cho rằng, AI có khả năng mở ra những cơ hội ở quy mô mà chúng ta chỉ thấy vài thập kỷ một lần. Và họ thậm chí còn so sánh AI ở tầm cỡ của những phát minh như Internet hoặc điện. Như ông đã đề cập, Meta là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này. Vậy ông có thể điểm qua một số ứng dụng AI của Meta mà ông tin rằng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân?
Vâng, có lẽ điều đầu tiên tôi có thể nói là Meta đã là người dẫn đầu về AI trong nhiều năm qua. Cách chúng tôi sử dụng AI trong nhiều năm là cung cấp nội dung mà người dùng thích. Bạn có nhận thấy các nội dung Facebook và Instagram của mình không phải ngẫu nhiên, mà được thiết kế riêng cho bạn? Chúng tôi đã sử dụng Meta nâng cao dành cho nhà quảng cáo, giúp họ sử dụng AI để vừa tạo quảng cáo, nhắm mục tiêu đúng khách hàng, vừa đưa ra mức giá đặc biệt thấp. Vì vậy, đây là một công cụ tuyệt vời dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam.
Chúng tôi đã sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn AI (AI LLM) trong nhiều năm, bao gồm cả tiếng Việt, để kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của chúng tôi và biến nền tảng của chúng tôi thành một nơi an toàn hơn cho mọi người. Đây là những cách chúng tôi đã và đang sử dụng AI.
Bây giờ hãy nói về tương lai. Năm ngoái, chúng tôi đã giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), là mô hình cho phép mọi người có thể xây dựng các ứng dụng từ nó và tạo ra tất cả các loại AI ứng dụng khác nhau. Đó là một mô hình rất tiên tiến. Và cuối năm nay, chúng tôi sẽ phát hành LLM3, đây là một tiến bộ đáng kinh ngạc khác trong các mô hình ngôn ngữ lớn và chatbot AI này. Bởi vì chúng tôi là một công ty đổi mới mở. Tức là, nhiều thứ bạn có thể đăng ký sử dụng và sau đó bạn có thể sử dụng nó. Và điều đó có nghĩa là các nhà phát triển trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam, sẽ có thể xây dựng các ứng dụng từ những mô hình có sẵn của chúng tôi. Điều này sẽ mở ra vô số cơ hội to lớn.
Chúng tôi cũng đang tung ra các sản phẩm Meta AI bên trong các ứng dụng của mình, đã có ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Có các bot trò chuyện Meta AI bên trong Facebook Messenger, Instagram và Whatsapp của bạn. Và những điều đó sẽ sớm đến với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024. Và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ là một trong những quốc gia đó. Vì vậy, bạn sẽ thấy tất cả các sản phẩm Meta AI khác nhau này sẽ có mặt tại Việt Nam trong tương lai rất gần.
Nếu chúng ta nhìn xa hơn một chút, chúng tôi đang kết hợp công nghệ AI vào công nghệ Metaverse của mình như tai nghe thực tế ảo VR, cho phép người dùng kết hợp cả thế giới kỹ thuật số và thế giới vật lý. Bật mí là Meta đang có rất nhiều sáng kiến được triển khai và mọi người sẽ bắt đầu thấy chúng xuất hiện sớm thôi.
6. META Ở ĐÂY ĐỂ BIẾN NHỮNG Ý TƯỞNG THÀNH HIỆN THỰC
Tất cả những sản phẩm mới này của Meta thật tuyệt vời. Là Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, ông đánh giá thế nào về độ mở của thị trường Việt Nam đối với những đổi mới này? Người dùng liệu có biết về chúng không, thưa ông?
Họ sẽ biết sớm thôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây để nói về sản phẩm và quảng bá sản phẩm. Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam cũng nhằm mục đích này.
Nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng AI là điều quan trọng tiếp theo. Bây giờ phải đến giai đoạn ứng dụng thực sự là gì? Đó chính là những gì năm 2024 sẽ diễn ra, đó sẽ là năm mà người dân ở Việt Nam thực sự nắm bắt được công cụ AI và cách sử dụng chúng, và quan trọng hơn là cách họ có thể phát triển những công cụ mà họ cần. Đây là nơi thể hiện tinh thần đổi mới của người Việt Nam và tinh thần kinh doanh của người Việt Nam.
Lĩnh vực tôi quản lý bao trùm một phần rất lớn của thế giới. Và tôi phải nói rằng, tôi không biết có ai dám nghĩ, dám làm và quyết tâm hơn người dân Việt Nam hay không. Điều này mang lại cho Việt Nam lợi thế thực sự khi hiện tại, việc phát triển những loại ứng dụng này sẽ không quá đắt.
Và đây là thời điểm mà các nhà đổi mới và doanh nhân Việt Nam thực sự có thể bắt đầu dừng lại một chút để suy nghĩ: hãy tưởng tượng xem chúng ta muốn gì? Và chúng ta hãy làm điều đó. Và chúng tôi sẽ ở đây để hợp tác với họ để biến những ý tưởng thành hiện thực.
Thế còn vấn đề an ninh mạng, rõ ràng, AI là sự đổi mới tiến bộ nhưng cũng đi kèm không ít mối lo ngại, nhất là khi người dùng chưa nhận thức đủ?
Một trong những lý do khiến chúng tôi tin tưởng vào mô hình đổi mới mở là vì việc phát hành những mô hình này tới công chúng và các nhà nghiên cứu để mọi người có thể thử nghiệm chúng. Không chỉ trong Facebook, mà những người trong các tổ chức nghiên cứu công, Chính phủ... đều có thể tự mình kiểm tra các mô hình, và thậm chí thử hack mô hình, để tất cả chúng ta đồng tạo ra mô hình an toàn.
Đó chính là vẻ đẹp khi chúng ta cùng nhau đổi mới mở của phương pháp đổi mới mở. Và tôi nghĩ đó thực sự là cách chúng tôi sẽ hợp tác với các Chính phủ và cộng đồng trong ngành để đảm bảo rằng đây là công nghệ an toàn trong tương lai.
Điều khác tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi đã sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn AI (AI LLM) để kiểm duyệt nội dung có hại trong nhiều năm. Bạn biết đấy, một trong những lý do chúng tôi có thể vận hành một nền tảng với 4 tỷ người dùng một cách an toàn là vì chúng tôi có AI. Đó là điều không thể thực hiện được nếu không có các mô hình ngôn ngữ lớn hoạt động ở nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới trong nền tảng của chúng tôi. Và vì vậy, có thể thấy AI cũng có khả năng đáng kinh ngạc trong thúc đẩy sự an toàn.
7. CHÚNG TÔI CẦN BĂNG TẦN 6 GIGAHERTZ ĐỂ MỞ CHO WIFI
Không chỉ Chính phủ Việt Nam mà người dân cũng đang rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực và nguồn nhân tài cho ngành bán dẫn và AI. Vậy theo quan điểm của ông, Việt Nam nên ưu tiên giải pháp nào? Chính phủ có thể làm gì tốt hơn trong tương lai gần để củng cố các nguồn lực về AI?
Đầu tư vào chất bán dẫn là rất thông minh. Trong tương lai, nhu cầu về chất bán dẫn và chip để chạy công nghệ AI sẽ rất lớn. Điều quan trọng khác mà chúng ta cần làm là tiếp tục hợp tác.
Nhà báo đã hỏi về việc đảm bảo rằng AI được an toàn. Đó là lý do tại sao chúng tôi có những chương trình như We think Digital, hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng AI được tích hợp vào các chương trình đó.
Chúng tôi cũng làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục thúc đẩy Thử thách Đổi mới Việt Nam, và các khía cạnh khác của vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ rằng, về mặt chính sách, tôi có thể nói rằng, “chìa khóa” của Chính phủ là hai điều chính.
Đầu tiên, một trong những lý do khiến Việt Nam là quốc gia phát triển kinh tế thành công trong 25 đến 30 năm qua, đó là do Chính phủ đã đưa ra quyết định chiến lược rằng Việt Nam sẽ trở thành môi trường mở cho đầu tư vào công nghệ. Vì vậy, các công ty như Meta và các công ty công nghệ lớn khác đã quyết định đặt cược vào Việt Nam vì môi trường chính sách đã rộng mở và được hoan nghênh đầu tư. Và nó cho phép sự đổi mới phát triển.
Vì vậy, điều đầu tiên là cần đảm bảo rằng mô hình mở vẫn giữ nguyên như vậy. Và cần tiếp tục duy trì mô hình mở đó. Chúng tôi luôn có những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với Chính phủ. Và không chỉ ở Meta, mà Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ đang cùng với các đối tác khác trong ngành duy trì mô hình mở đó, đồng thời đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ an toàn và quyền riêng tư phù hợp được áp dụng.
Thứ hai, chúng tôi đã trao đổi với Chính phủ về điều gì sẽ xảy ra với băng tần 6 gigahertz. Chúng tôi cần băng tần 6 gigahertz để mở cho WiFi, vì hầu hết người Việt Nam, lượng nội dung thực tế được truy cập ở Việt Nam phần lớn vẫn qua Wi Fi.
Chúng ta cần băng thông rộng đó để có thể xem video, chạy các ứng dụng AI mà mọi người đang đưa lên mạng ngay lúc này. Và điều đó thực sự sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Vì vậy, băng tần 6 gigahertz thực sự cần được mở cho Wi Fi. Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đang tiến tới quyết định theo hướng đó. Và chúng tôi muốn thúc đẩy Chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định cuối cùng này.
Khi băng tần 6 gigahertz được mở, thực sự sẽ cho phép một lượng băng thông bổ sung khổng lồ để cung cấp năng lượng cho tất cả công nghệ này trong tương lai.
8. VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG SỐ MỘT TOÀN CẦU CỦA META VỀ BUSINESS MESSAGING
Rất nhiều thay đổi đang diễn ra. Và cũng khá rõ ràng rằng Meta coi Việt Nam là thị trường quan trọng, bằng chứng là nhiều sáng kiến có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, như ông đã đề cập. Ngoài những sáng kiến đang được tiến hành, ông có thể tiết lộ sáng kiến hoặc cam kết quan trọng nào khác đang được triển khai, ở cả Việt Nam và trong khu vực?
Vâng, trước hết hãy nhìn vào Việt Nam. Việt Nam thực sự là thị trường số một toàn cầu của Meta khi nói đến Business messaging. Bạn biết đấy, các doanh nghiệp nói chuyện với khách hàng thông qua nền tảng của chúng tôi, chủ yếu là nhắn tin, bởi vì đó là nền tảng mà người Việt Nam ở các khu vực khác trên thế giới ưa thích Facebook, WhatsApp... Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nhắn tin kinh doanh như một lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.
Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Business messaging đầu tiên. Chúng tôi sẽ thực hiện lại việc này trong năm nay và đang nghiên cứu chi tiết ngay bây giờ.
Chúng tôi cũng đang thực hiện một số quan hệ đối tác khác nhau với Bộ Thông tin và Truyền thông, để tiếp tục một số mục tiêu mà chúng ta đã nói đến.
Chúng tôi có quan hệ đối tác lâu dài với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Vì vậy, có rất nhiều thứ chúng tôi đang làm. Trong lĩnh vực này, tôi đã đề cập đến một số công cụ kinh doanh mà Meta đã đưa ra thị trường Việt Nam dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn để tận dụng các công cụ quảng cáo của chúng tôi.
Tôi nghĩ rằng, theo thời gian, chúng tôi sẽ xem xét nhiều hơn những gì chúng tôi có thể làm với Metaverse, dựa trên công nghệ sẵn có của chúng tôi tại Việt Nam. Và như tôi đã đề cập, những thay đổi mà chúng tôi sắp tung ra, hy vọng là trong năm nay, các sản phẩm Meta AI của chúng tôi ở Việt Nam thực sự sẽ khiến mọi người kinh ngạc khi thấy chúng.
Đông Nam Á là khu vực có sự tăng trưởng nhất định cho Meta. Nó thực sự rất đa dạng. Tôi nghĩ có một điều về Đông Nam Á là có rất nhiều loại hình xã hội, văn hóa, nền kinh tế, mô hình Chính phủ khác nhau. Vì vậy, mỗi quốc gia cần những loại giải pháp khác nhau, cả về quan điểm kinh doanh và những gì chúng tôi mang đến cho xu hướng thị trường với các sản phẩm của mình; cũng như cách tôi và nhóm làm việc về Chính sách công và các vấn đề Chính phủ, cách chúng tôi tham gia với các Chính phủ, xã hội dân sự và các đối tác trong khu vực.
Về nhiều mặt, Đông Nam Á là khu vực của những người áp dụng đầu tiên. Những gì chúng tôi thấy với tin nhắn kinh doanh là một ví dụ hoàn hảo. Giống như, chúng tôi chưa thực sự nghĩ ra một sản phẩm nhắn tin kinh doanh, nhưng người dân Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện thương mại xã hội trên điện thoại của họ, sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Điều đó hoàn toàn tự nhiên.
Chúng tôi thấy điều tương tự cũng xảy ra ở Thái Lan, thị trường nhắn tin số hai toàn cầu đối với Meta. Và đó là cách tôi nghĩ công nghệ của chúng tôi được sử dụng trên khắp Đông Nam Á.
Chúng tôi thấy những cách sử dụng hữu cơ và thú vị này đối với người sáng tạo trên Instagram bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, tôi nghĩ điều chúng tôi sắp làm là tiếp tục chú ý đến những gì người dân trong khu vực nói với chúng tôi và những gì họ cần. Sau đó, chúng tôi sẽ phát triển và đưa các sản phẩm có thể phục vụ nhu cầu người dùng ra thị trường. Và tôi nghĩ các sản phẩm AI mà chúng tôi sắp tung ra thị trường sẽ thực sự là một phần trong đó.
Theo thống kê ở Việt Nam, hơn 70% người tiêu dùng sử dụng tin nhắn doanh nghiệp để tiếp cận các doanh nghiệp. Đó thật sự là một con số đáng kể. Nhưng khi nói đến số hóa, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn coi đó là việc dành riêng cho các tập đoàn lớn hơn. Vậy quan điểm của ông về nhận định này là gì? Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ do Meta cung cấp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ?
Chúng ta đã nói về bộ công cụ Meta cao cấp dành cho doanh nghiệp. Đó là một bộ công cụ quảng cáo AI tuyệt vời mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng, và chúng được thiết kế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng rất đơn giản. Chúng rất rẻ và rất hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng.
Chúng tôi đã nói về các sản phẩm nhắn tin kinh doanh mà chúng tôi có. Nếu nhìn về tương lai, điều AI sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm là phát triển trên quy mô lớn, điều mà trước đây họ chưa bao giờ có thể làm được.
Vì vậy, tin nhắn kinh doanh là một ví dụ tuyệt vời. Khách hàng ở Việt Nam có thể bắt đầu nói chuyện với các doanh nghiệp trên Messenger, chẳng hạn, tôi muốn đặt hàng chiếc khăn quàng cổ cho mẹ tôi. Sau đó, họ tiếp tục trao đổi online và sau đó là giao dịch. Thông thường, phần giao dịch không xảy ra trên nền tảng của chúng tôi, nhưng không sao. Hiện tại, những giao tiếp đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có người trực tuyến ở đó, gõ trả lời. Hãy tưởng tượng nếu bạn có thể đặt một bot trò chuyện AI không quá đắt đỏ để trả lời các câu hỏi của khách hàng, hiệu quả sẽ được nhân lên nhiều lần.
Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng tính năng này rồi?
Phải. Một SMEs, có thể chỉ là một vài người trong cửa hàng, bên dưới căn hộ của họ, họ không thể tương tác với hàng trăm nghìn khách hàng, phải không? Với AI, hãy xem họ có thể mở rộng quy mô kinh doanh của mình nhanh như thế nào. Vì vậy, khi tôi nghĩ về tiềm năng của AI, thực ra chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ về nhiều mặt là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ sắp ra mắt.
9. CHÚNG TÔI HỌC ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU TỪ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Như ông đã nói, điều AI làm là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn. Ông có đề cập rằng phần thanh toán thường không diễn ra trên nền tảng của AI. Đó có phải là điều Meta muốn thúc đẩy trong tương lai không?
Chúng tôi luôn xem xét các sản phẩm khác nhau để đưa ra thị trường. Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng có những quốc gia chúng tôi áp dụng một số khoản thanh toán trên nền tảng của mình. Chúng tôi đã đưa ra hình thức tương tự ở Singapore vào đầu năm nay, chúng tôi cũng có một số hình thức tương tự đang diễn ra ở Thái Lan, tôi nghĩ sẽ là một điều thú vị nếu thấy ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi không có bất kỳ thông báo nào để triển khai điều đó ngay bây giờ.
Tôi nghĩ rằng, phần lớn trong số đó là theo từng thị trường và xem xét cách mọi người đang sử dụng nền tảng cũng như giải pháp tốt nhất cho thị trường là gì.
Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp, như ông đã đề cập ngắn gọn ở phần đầu, các sáng kiến hỗ trợ mọi người hiểu biết về kỹ thuật số cũng là một phần quan trọng trong mục tiêu phát triển một nền kỹ thuật số tuần hoàn. Ông đã đề cập rằng Meta đang cố gắng làm điều đó cho một triệu người Việt Nam, điều đó thật tuyệt vời. Với tư cách là công ty quản lý của một số nền tảng truyền thông xã hội được người Việt Nam sử dụng nhiều nhất, Meta đang đóng góp như thế nào để giúp đỡ mọi người về kỹ năng kỹ thuật số của họ? Ông có thể nói cụ thể về các chương trình của Meta cũng như chức năng và mục tiêu của từng chương trình?
Chương trình kiến thức kỹ thuật số chúng tôi đang thực hiện được khoảng 5 năm gần đây. Một trong những ưu điểm của nó là khả năng tuỳ chỉnh. Chương trình bắt đầu dạy những gì chúng ta coi là nguyên tắc cơ bản cốt lõi của kiến thức kỹ thuật số, chẳng hạn như cách giữ an toàn cho tài khoản của bạn. Hay cách xem thông tin, nhận biết đâu là thông tin xác thực, trái ngược với thông tin sai lệch, cách chúng ta gọi là kỹ năng công dân kỹ thuật số, chẳng hạn như suy nghĩ trước khi chia sẻ nội dung. Và những cách khác để đảm bảo rằng, bạn đang tham gia trực tuyến một cách tích cực, đảm bảo mọi người không tham gia vào hành vi tiêu cực trực tuyến.
Theo thời gian, chương trình đó cho phép chúng tôi thích ứng với các xu hướng đang đến trong lĩnh vực công nghệ. Vì vậy, Meta sẽ kết hợp AI vào chương trình kỹ thuật số được xem xét lại của chúng tôi để mọi người hiểu những điều cơ bản về AI và cách họ có thể xem nội dung, nhận biết nội dung đó có phải do AI tạo ra không? Hay đó là nội dung do con người tạo ra? Đúng vậy, có thể nhận ra sự khác biệt với những thứ như vậy.
Và vì vậy, khi tiến lên phía trước, chúng tôi sẽ đảm bảo duy trì khả năng thích ứng đó, và tiếp tục hợp tác với Chính phủ về những vấn đề quan trọng đối với Việt Nam trong năm nay. Luôn luôn có một nền tảng cơ bản mà chúng tôi sẽ cố gắng dạy. Nhưng điều đó sẽ phát triển theo thời gian khi công nghệ phát triển cùng với nó.
Và tôi cảm thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn, như tôi đã nói: Người dân ở Đông Nam Á luôn là những người đầu tiên áp dụng công nghệ mới. Rất đáng khích lệ.
Việt Nam có một cộng đồng dân số rất trẻ và sáng tạo. Tôi nghĩ chúng tôi học được nhiều điều từ Việt Nam. Việt Nam dạy chúng tôi rất nhiều điều với tư cách là một thị trường. Và sau đó, chúng tôi phải tìm ra cách để cung cấp các dịch vụ và công cụ mà mọi người muốn và cần.
10. TÔI LUÔN MUỐN TIẾP TỤC LÀ CẦU NỐI GIỮA HOA KỲ VÀ VIỆT NAM
Như ông đề cập, một cộng đồng dân số rất trẻ và sáng tạo là lợi thế lớn của Việt Nam, nhưng trong nền kinh tế số, theo ông đâu là thách thức lớn nhất đối với đất nước vừa tăng tốc về mặt kinh tế nhưng vẫn mong muốn giữ được những nét đặc trưng về mặt văn hóa và con người?
Tôi không phải chuyên gia về vấn đề này, nhưng dựa trên quan sát của tôi ở các nước đang phát triển khác, có một điều tôi nhận thấy: sự chia rẽ trong xã hội có xu hướng kìm hãm sự tăng trưởng, có xu hướng làm chậm sự tăng trưởng. Và điều tôi thấy ở Việt Nam là mọi người không nhất thiết phải đồng ý trên một số khía cạnh trong cách mọi việc được thực hiện. Mọi người có đủ loại ý kiến khác nhau. Nhưng điều tôi nghĩ Việt Nam có lợi thế là xã hội không bị chia rẽ. Ở đây, mọi người không bị chia rẽ đặc biệt là về các vấn đề như chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hay các vấn đề xã hội, giống như chúng ta đã thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới. Và tôi nghĩ rằng sự đoàn kết và mục đích trọng tâm là nhìn về phía trước thay vì lùi lại chính là điều quan trọng nhất để vượt qua vấn đề này.
Các quốc gia và nền kinh tế phát triển luôn có một kiểu giá trị chung và những điều mà mọi người đều tin tưởng, và họ đều đồng ý rằng đây là những phần quan trọng của xã hội chúng ta. Và những xã hội giữ được điều đó, tôi nghĩ, có xu hướng tiến về phía trước nhanh hơn. Và những nơi bị mắc kẹt bởi sự chia rẽ cũ hoặc là sự chia rẽ nảy sinh theo thời gian, thường là nguyên nhân có xu hướng khiến mọi thứ chậm lại.
Nếu một cơ hội mở ra, liệu ông có cân nhắc làm việc và sinh sống ở đây không?
Có thể lắm chứ. Tôi rất thích khu vực Đông Nam Á. Tôi đã sống ở Bangkok (Thái Lan), hiện tôi sống ở Singapore. Vì vậy, tôi luôn cởi mở với những cơ hội và ý tưởng mới.
Bạn biết đấy, tôi lớn lên ở California (Mỹ). Tôi cũng đã trải qua thời thơ ấu ở Chicago, sau đó, tôi chuyển đến châu Á, rồi tôi chuyển từ Bangkok đến Tel Aviv (Israel). Tôi sống ở Israel và làm việc ở Trung Đông khoảng bảy năm, sau đó về sống ở Washington DC (Mỹ) khoảng 10 năm rồi quay trở lại Đông Nam Á. Về cơ bản, tôi đã sống ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ cách sống của tôi luôn cởi mở với những cơ hội mới.
Cha mẹ tôi là thế hệ lớn lên trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Cha tôi hồi đó ở độ tuổi mà đàn ông Mỹ phải nhập ngũ để chiến đấu trong chiến tranh. Ông ấy may mắn không phải nhập ngũ, nhưng bố mẹ tôi là thành viên của phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ, nên lớn lên tôi đã nghe những câu chuyện về những cuộc biểu tình đó và phong trào phản chiến. Khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, bố mẹ tôi đã rất bất ngờ và thích thú. Vì vậy, trước hết, tôi muốn một ngày nào đó được đưa bố mẹ tôi đến đây. Họ rất mong muốn điều này. Tôi hy vọng rằng tôi có thể làm được điều đó.
Trong công việc của mình, tôi luôn muốn tiếp tục là cầu nối giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mối quan hệ Mỹ - Việt đã ngày càng tốt hơn trong 25 đến 30 năm qua. Và hai đất nước, con người ngày càng xích lại gần nhau hơn. Với công việc của mình ở Meta, tôi muốn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quan hệ Mỹ - Việt.
Khi tôi còn là nhà báo, viết về Việt Nam và Đông Nam Á cho các tờ báo Mỹ, tôi nhớ mình đã đến đây vào dịp Tết. Năm 2004, tôi tới TP.HCM, rồi đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đã viết một câu chuyện cho tờ Chicago Tribune về việc người dân Việt Nam rất ủng hộ người Mỹ. Giới trẻ lớn lên và yêu thích xã hội Mỹ, văn hóa Mỹ, thương hiệu Mỹ. Lần đầu tiên tôi đến đây, tôi đã rất ngạc nhiên vì điều đó. Bởi vì tôi nghĩ, "ồ, không có đâu, chắc họ sẽ rất oán giận người Mỹ, nước Mỹ về lịch sử và về cuộc chiến".
Nhưng trên thực tế, tôi thấy người Việt có rất nhiều mong đợi cùng nhau hợp tác và cùng mong chờ. Có lẽ tôi thích công việc ở Meta một phần là vì có thể góp phần trong việc tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như giữa các nước Đông Nam Á khác.
LINH LÊ - HỒ HẠ THỰC HIỆN