Viễn thông - Công nghệ
Ericsson dự báo thuê bao 5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động vào năm 2029
Kỳ Thành - Chí Cường - 30/09/2024 14:35
Khi được triển khai thương mại tại Việt Nam, mạng 5G sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn, giáo dục từ xa, chơi game, trải nghiệm video tốt hơn, tương tác nhanh hơn…
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”  sáng 30/9. Ảnh: Chí Cường

Trình bày tham luận tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 30/9, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, trong 5 đến 10 năm nữa, thế giới sẽ thay đổi rất lớn.

“Bạn có thể ngồi ở nhà để vận hành các cơ quan, tổ chức trên toàn cầu. Cây trồng không bao giờ chết vì sẽ thông báo cho người chủ bao giờ nó cần nước. Chúng ta hình dung một nền kinh tế hùng mạnh tại Việt Nam. Tất cả những điều đó sẽ trở thành hiện thực nhờ công nghệ 5G”, bà Rita Mokbel nói.

Theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, các Chính phủ, đang đứng trước cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn, vì vậy cần chung tay xây dựng hệ sinh thái, tăng tốc độ quá trình chuyển đổi số.

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng vật lý như cảng biển, đường cao tốc, các Chính phủ cũng đang đầu tư vào hạ tầng số như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế. 5G đang cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia tiên phong.

5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu, chiếm 22% tổng số thuê bao di động toàn cầu. Từ con số 1,9 tỷ thuê bao hiện nay, dự báo sẽ tăng lên 5,6 tỷ thuê bao 5G, chiếm 60% thuê bao di động toàn cầu.

“Mọi người nghĩ đến 5G như một hệ thống di động băng rộng, nhưng sức mạnh của 5G vượt xa hơn rất nhiều, khi kết hợp với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo”, bà Rita Mokbel cho hay.

Dẫn chứng một số quốc gia có tốc độ triển khai mạng 5G nhanh trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, bà Rita Mokbel cho biết, các quốc gia này đều dự báo 5G sẽ đóng góp tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế số của mỗi quốc gia.

“Vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong xây dựng khung khổ chính sách, loại bỏ rào cản, hỗ trợ nhà mảng triển khai 5G. Ở Việt Nam, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ các nhà mạng viễn thông, coi 5G là hạ tầng quốc gia quan trọng để tăng tốc độ chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số thời gian tới”, bà Rita Mokbel nhận định.

Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam coi 5G là hạ tầng quốc gia quan trọng để tăng tốc độ chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số thời gian tới. Ảnh: Chí Cường

Tại Việt Nam, Ericsson dự báo 5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động vào năm 2029. Khi được triển khai thương mại tại Việt Nam, mạng 5G sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn, giáo dục từ xa, chơi game, trải nghiệm video tốt hơn, tương tác nhanh hơn… “Với 5G, các nhà mạng sẽ tăng lượng hài lòng của khách hàng thêm 10% so với các công nghệ thế hệ trước”, bà Rita Mokbel nói.

Đối với khách hàng là các doanh nghiệp, mạng 5G sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động nhanh hơn, linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy trong hoạt động. “Thực tế khi triển khai tại một nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo thì năng suất lao động tăng 20%”, bà Rita Mokbel dẫn chứng.

Nhấn mạnh rằng 5G sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm và vị thế đã hỗ trợ trên 50% các nhà mạng 5G thương mại đang hoạt động, Ericsson sẽ hỗ trợ các nhà mạng xây dựng “siêu xa lộ thông tin” với chi phí thấp hơn, thúc đẩy nền kinh tế, đảm bảo sự liền mạch, thông suốt và không gây gián đoạn cho khách hàng.

Ericsson cũng bày tỏ mong muốn trở thành đối tác của Chính phủ và các nhà mạng trong việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam, bao gồm xây dựng hệ sinh thái các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng 5G, phát triển ứng dụng giải pháp riêng cho thị trường Việt Nam, giúp Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển kinh tế số, thu hút đầu tư nước ngoài… 

Tin liên quan
Tin khác