Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU tính tới 15/6/2022 đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng trưởng khá ổn định, dao động từ 34%-83% trong các tháng đầu năm nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin.
Theo VASEP, cũng như thị trường Mỹ, nhu cầu tại EU hồi phục sau đại dịch Covid, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này. đặc biệt, hiệp định thương mại tự do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) càng là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU.
Ngày 01/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan.
Khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm từ các quốc gia khác.
EVFTA đi vào thực thi là yếu tố thuận lợi, trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. |
Với việc xuất khẩu tôm sang EU tăng 51% so với cùng kỳ, VASEP đánh giá, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đó.
Các nước EU cũng tăng nhập khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam, trị giá 236 triệu USD, tăng 46%. Nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam tăng vọt 75% đạt trên 50 triệu USD, chiếm 16,5% xuất khẩu tôm sang khối thị trường này. Top 3 thị trường trong khối gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng từ 58-91% nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022.
Nhu cầu các sản phẩm tôm bền vững và hữu cơ ngày càng tăng ở châu Âu. Các sản phẩm ăn liền tiện lợi cũng có nhu cầu cao tại thị trường này.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD. Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể giảm và dự báo sẽ tăng trở lại vào những tháng cuối năm.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2021 là 8,88 tỷ USD, xuất khẩu tôm đứng đầu, chiếm khoảng 45% tổng trị giá xuất khẩu ngành hàng; tiếp đến lần lượt là: cá tra chiếm khoảng 18%, cá ngừ 8%, mực và bạch tuộc 7%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Trong 3 năm liên tiếp gần đây, tôm vẫn luôn là mặt hàng chủ lực dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU. Năm 2021, xuất khẩu tôm đạt 613 triệu USD, tăng trưởng 18.6% so với năm 2020 (517,108 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan tăng 10%, sang Đức tăng 25% và Bỉ tăng 19%.