EVFTA được đánh giá là hiệp định thương mại có chất lượng cao và toàn diện nhất của Việt Nam từ trước đến nay |
Việc ký kết Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam cân bằng các trục giao thương quốc tế, vươn mình ra thị trường bên ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên đã phỏng vấn PGS, TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó viện trưởng Viện kinh tế & thương mại quốc tế, Đại học Ngoại Thương.
So với các Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam &Liên minh châu Âu (EVFTA) có điểm khác biệt nào thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Điểm khác biệt đầu tiên là về thị trường và khu vực. Từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ ký kết các Hiệp định thương mại xung quanh khu vực ASEAN và châu Á.
Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán được với một nước phát triển, cụ thể là châu Âu, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Cho nên chắc chắn, đây là một đột phá của phía Việt Nam.
Ngược lại, lần đầu tiên EU ký một hiệp định rộng lớn như vậy với một nước đang phát triển như Việt Nam. Điều này cho thấy EU coi trọng thị trường Việt Nam như thế nào.
Điểm khác biệt thứ hai đó là phạm vi bao trùm của Hiệp định này rộng lớn hơn nhiều các hiệp định tự do thương mại khác, nó không chỉ bao gồm vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… mà còn bao gồm các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài chính… Với những lĩnh vực được mở rộng như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gia tăng hoạt động của mình, để thâm nhập vào một trong những thị trường đáng ao ước nhất trên thế giới.
PGS, TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó viện trưởng Viện kinh tế & thương mại quốc tế, Đại học Ngoại Thương. |
Vậy những lợi ích cơ bản nhất mà Việt Nam có được thông qua Hiệp định này là gì?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Hiệp định thương mại tập trung chủ yếu bàn tới thương mại và nội dung chính của EVFTA là giảm thuế quan và giảm bớt những rào cản về thuế quan cho hàng hóa của hai bên. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan của EU, thì kỳ vọng sau khi Việt Nam ký EVFTA con số này sẽ tăng lên đáng kể, khoảng 70%-80%.
Đây sẽ là cơ hội vô cùng to lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là khi mà thương mại thế giới vẫn đang trong ở trong giai đoạn trì trệ, chưa qua khỏi cơn khủng hoảng.
Mặt khác, với EVFTA, luồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu có khả năng sẽ tăng mạnh tại Việt Nam trong tương lai. Trong đó, Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào phát triển khoa học công nghệ.
Hiện nay, tốp 5 nước đầu tư nhiều nhất về khoa học công nghệ vào Việt Nam tiếc rằng không phải là những nước có thế mạnh về khoa học công nghệ, mà là những nước trong khu vực. Nếu EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ có khả năng thu hút được nhiều đối tác mạnh về khoa học công nghệ của EU vào Việt Nam, từ đó có thể nâng cấp được nền khoa học công nghệ trong sản xuất của Việt Nam.
Thưa bà, khó khăn và thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt sau khi Hiệp định có hiệu lực là gì? Liệu nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào sân chơi chung với những bạn hàng khó tính như EU hay chưa?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Tôi nghĩ là cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức. Đây là vấn đề mà kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng phải hết sức lưu ý. Việt Nam phải thấy rằng việc ký hiệp định thương mai cũng giống như là việc Việt Nam nâng cấp phương tiện đi ra nước ngoài của mình.
Nếu như là trước kia Việt Nam đi ra nước ngoài bằng xe đạp thì rõ ràng là chỉ đi được quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà thôi và hàng hóa Việt Nam mang theo được cũng ít, số rào cản trên đường bộ cũng ít. Nếu bây giờ Việt Nam mang hàng hóa đi bằng tàu biển và máy bay thì Việt Nam sẽ đi được xa hơn, nhưng đồng thời vấn đề nhập cảnh bằng những phương tiện đó, cùng những trở ngại rủi ro quy định sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Điều này tương tự với những gì mà EVFTA thể hiện.
Trong EVFTA, EU cho thấy họ sẽ cố gắng phát triển kim ngạch thương mại hai chiều, nhưng không đồng thời với việc họ chấp nhận việc tàn phá môi trường hay không bảo đảm quyền lợi cho người lao động … tức là họ yêu cầu đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
EU sẽ can thiệp vào toàn bộ quá trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và nếu họ thấy rằng doanh nghiệp của Việt Nam không đạt được những tiêu chuẩn theo quy định thì họ sẽ không cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam vào EU.
EVFTA cam kết một lộ trình cắt giảm thuế quan trong vòng 10 năm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Bà đánh giá như thế nào về lộ trình này?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Như tôi đã nói, Việt Nam muốn đi máy bay thì Việt Nam phải chấp nhận vất vả. Rõ ràng nếu Việt Nam đi xe đạp thì sẽ không lo sai luật, cũng chẳng bao giờ lo những việc như tai nạn trên không, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam cả đời đi xe đạp chứ không bao giờ đi máy bay. Điều này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược từ những người lãnh đạo công ty, họ phải tạo ra động lực để từ đó lôi kéo được nhân viên chia sẻ tầm nhìn, cùng với đó là sự hợp tác và trợ giúp tích cực từ phía Chính phủ.
Nhà nước phải có sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những lợi ích lâu dài của việc thỏa mãn những tiêu chí khó khăn, khắt khe của thị trường các nước phát triển để doanh nghiệp sẽ có được sự phát triển bền vững.
Rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ rằng, nếu họ chỉ xuất khẩu loanh quanh khu vực ASEAN hoặc châu Á, thì các quy định về xuất xứ hàng hóa là tương đối dễ dàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần chứng minh 40% giá trị hàng hóa của họ có xuất xứ khu vực chứ không cần hoàn toàn là của Việt Nam thì đã được hưởng những ưu đãi thuế quan theo các cam kết.
Tuy nhiên, nếu để chứng minh xuất xứ hàng hóa với thị trường EU thì sẽ khó hơn rất nhiều. Nếu đánh giá giữa chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra so với lợi nhuận thu được thì chưa doanh nghiệp đã có lãi. Vấn đề này cũng giống như câu tục ngữ Việt Nam: “gà cồ ăn quẩn cối xay” , nhưng Việt Nam phải thấy rằng thóc quanh cối xay nhặt nhanh hết lắm và Việt Nam sẽ phải đi ra vườn thôi, ra cánh đồng thôi, ở ngoài đó thóc nhiều hơn mặc dù sẽ nhiều khó khăn hơn.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có phải là con bài đối trọng của Việt Nam đối với những tác động có thể xảy ra của Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) trong tương lai hay không?
Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Theo tôi, đây là một tin chắc chắn thể hiện chính sách đa phương hóa đúng đắn của chính phủ Việt Nam. Nếu Việt Nam chỉ có 6 hiệp định quanh khu vực ASEAN, sau đó là ký kết TPP, có nghĩa là Việt Nam đã đi hẳn sang hướng Thái Bình Dương và hoàn toàn đã bỏ ngỏ thị trường phía bên châu Âu.
Trong trường hợp như vậy Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, như vậy nếu thị trường này có gặp bất kỳ biến động bất lợi nào thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. EVFTA được ký kết sẽ làm gia tăng vị trí của Việt Nam trong nhóm các quốc gia thành viên TPP, đồng thời tránh cho nền kinh tế Việt Nam không bị quá lệ thuộc vào một trục.