Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. |
Thưa Đại sứ, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và EU tiến triển thế nào kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (tháng 8/2020)?
Tôi vui mừng khi nói rằng, quan hệ kinh tế - thương mại song phương đang phát triển khá tốt. EVFTA trở thành cầu nối quan trọng, nâng mối liên kết thương mại giữa hai nền kinh tế lên tầm cao chưa từng thấy. Chúng ta đã chứng kiến những tác động tích cực của EVFTA tới thương mại song phương giữa Việt Nam và EU.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2022, xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 18% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU thậm chí còn tăng ấn tượng hơn, ở mức 33%. Đây là mức tăng xuất khẩu song phương mạnh nhất giữa Việt Nam và các đối tác thương mại trong năm.
Năm 2023, theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - EU tăng khoảng 24%.
Trên thực tế, thương mại song phương đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi EVFTA được triển khai và chỉ giảm không đáng kể trong năm 2020.
Đại sứ kỳ vọng gì về hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong những năm tới?
Để có dự báo chính xác về xu hướng tương lai, cần nhìn vào thực tế thương mại song phương trong những năm gần đây. Trước khi thực thi EVFTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam sang EU là 5-7% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam là 3-5%.
Trong những năm qua, khi thực thi EVFTA, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số.
Về đầu tư, EVFTA đã góp phần nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư EU và ngoài EU. EU liên tục là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EU đầu tư vào Việt Nam khoảng 2.450 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,3 tỷ USD.
Bất chấp các nhà đầu tư có xu hướng giảm các khoản đầu tư ở xa về mặt địa lý và đưa chúng trở về gần quê hương hơn, các nhà đầu tư EU vẫn tiếp tục rót thêm 810 triệu USD vào Việt Nam trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023. Việc thực thi EVFTA cũng đã thành công trong việc tạo ra hiệu ứng lan tỏa, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực nhờ thu hút lượng lớn nhà đầu tư từ các nước ngoài EU.
Dựa trên thực tế phát triển thương mại và đầu tư, có thể dự báo xu hướng tăng trưởng ổn định của dòng chảy thương mại và đầu tư song phương EU-Việt Nam trong những năm tới, ngay cả khi tăng trưởng giảm tốc sau sự phát triển thần kỳ trong vài năm qua.
Dòng vốn đầu tư không chỉ dựa vào những lợi thế trong việc xóa bỏ thuế quan hay sự chắc chắn về mặt pháp lý mà EVFTA mang lại, các nhà đầu tư từ EU và các đối tác khác cũng rất quan tâm đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Thị trường Việt Nam có tiềm năng gì với doanh nghiệp châu Âu, thưa Đại sứ?
Thị trường Việt Nam khá hấp dẫn, nhưng cũng có những rào cản kỹ thuật nhất định. 15 năm qua đã chứng kiến sự gia tăng kỳ diệu về thu nhập khả dụng của người dân Việt Nam và điều này chắc chắn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi quyết định kinh doanh. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ khoảng 910 USD năm 2007 lên 4.280 USD vào năm 2023.
Tự hào về những thành tựu này chắc chắn là cảm giác của người dân và Chính phủ Việt Nam. Nhưng những gì Việt Nam đạt được cho đến nay vẫn còn thấp so với tiềm năng và tiềm năng đó không thể được phát huy tối đa nếu không có những cải cách và quyết tâm mạnh mẽ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các giấy phép không cần thiết và các giấy phép con phức tạp.
EU đang quan sát chặt chẽ việc Việt Nam thực hiện các cam kết của EVFTA, giúp giải quyết các rào cản kỹ thuật trong tiếp cận thị trường. Chúng ta rất mong chờ sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn về thương mại và đầu tư, biến tiềm năng của mối quan hệ song phương thành hiện thực.
Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ cộng đồng quốc tế để thực hiện Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). EU sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam trong nỗ lực này?
Hỗ trợ của EU dành cho JETP của Việt Nam lên tới 876,5 triệu euro (959,9 triệu USD), trong đó, 176,5 triệu euro (193,3 triệu USD) là viện trợ không hoàn lại. EU là nhà tài trợ tài trợ lớn nhất cho JETP của Việt Nam.
EU đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng theo thỏa thuận viện trợ trị giá 142 triệu euro (155,5 triệu USD) nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và hệ thống thông tin năng lượng của Việt Nam.
Gần đây, EU cũng đã ký một thỏa thuận với Cơ quan Phát triển Pháp để phân bổ khoản tài trợ trị giá 16,6 triệu euro (18,18 triệu USD) cho Dự án Chuyển đổi năng lượng EVN Team Europe (ETEF), nhằm hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển dự án giai đoạn đầu với các khoản đầu tư liên quan đến JETP và sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Khoản đóng góp này của EU dự kiến thúc đẩy thêm 1 tỷ euro (1,095 tỷ USD) các khoản vay từ các tổ chức tài chính (AFD, Ngân hàng Phát triển KfW và các tổ chức khác).
Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã cam kết cho vay 200 triệu euro (219 triệu USD) để hỗ trợ Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - dự án JETP ưu tiên và nằm trong Quy hoạch Điện VIII. Đây là dự án lưu trữ năng lượng có công suất 1.200 MW, được phát triển tại tỉnh Ninh Thuận.
Yêu cầu về lưu trữ điện và khả năng dự trữ nhanh mà dự án này hướng tới sẽ củng cố việc tích hợp năng lượng tái tạo (như điện gió và quang điện) vào lưới điện. Tổng vốn vay cho Dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái khoảng 600 triệu euro (657 triệu USD), bao gồm đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau.
Ngoài ra, EIB đã phân bổ khoản vay 500 triệu euro (547,6 triệu USD) để đầu tư đặc biệt cho JETP, trong đó, các dự án cụ thể vẫn chưa được xác định. Hơn nữa, EU dự kiến hỗ trợ thêm cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc với tư cách là cơ quan hỗ trợ của Ban Thư ký JETP.