Theo đó, Sân phân phối 500 kV Vân Phong được bàn giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quôc gia (EVNNPT) và đơn vị vận hành trực tiếp là Truyền tải điện 3 (PTC3) kể từ ngày 01/01/2024 theo đúng quy định tại Hợp đồng Mua bán điện ký kết giữa EVN với Công ty Công ty TNHH Điện lực Vân Phong.
Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết, thời gian qua, EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Điện lực Vân Phong đặc biệt là việc hoàn thành Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân và trạm biến áp 500 kV Vân Phong để giải tỏa công suất của nhà máy.
Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT và ông Hirokazu Tsuru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong đã ký kết biên bản bàn giao |
Hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ và việc bàn giao Sân phân phối 500 kV Vân Phong cho EVNNPT là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam để EVNNPT thống nhất vận hành hệ thống truyền tải điện.
Về phía Công ty TNHH Điện lực Vân Phong, ông Hirokazu Tsuru, Tổng giám đốc cho hay, thời gian qua EVNNPT đã hỗ trợ các thủ tục đấu nối lưới điện truyền tải với trạm biến áp, hỗ trợ tối đa Công ty trong việc hoàn thành sớm đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, giúp Công ty giải tỏa công suất nhà máy với sự chuyên nghiệp, tận tâm, trách nhiệm.
Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 được khởi công ngày 5/11/2019 có địa điểm tại Khu kinh tế Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày hoàn thành hạng mục dự án là 4/9/2023.
Toàn cảnh Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 |
Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có quy mô 1.432 MW với 2 tổ máy 716 MW công suất thô và 660 MW công suất tinh. Tổ máy chính gồm lò hơi, tua bin, máy phát, máy biến áp tăng áp. Hệ thống phụ trợ nhà máy bao gồm sân phân phối 500 kV.
Nhà máy sử dụng than bitum và á bi tum nhập khẩu từ Indonesia và Australia. Tổng lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3,6 triệu tấn.
Bãi thải xỉ có tổng diện tích là 25,613 ha, trong đó bãi chính 17,093 ha, bãi phụ là 7,421 ha và bãi lắng 1,1 ha. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh sử dụng nước biển. Phát thải NOx được kiểm soát bằng công nghệ sử dụng vòi đốt NOx thấp và được trang bị đầy đủ các hạng mục công trình phòng chống chữa cháy, bảo vệ môi trường, điều khiển giám sát...
Theo Hợp đồng BOT, sau 25 năm hoạt động, Nhà máy sẽ được chuyển giao toàn bộ cho phía Việt Nam để tiếp tục vận hành. Tuy nhiên riêng hạng mục Sân phân phối 500 kV được chuyển giao sớm như đã diễn ra nhằm đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong quá trình vận hành hệ thống truyền tải quốc gia với cấp điện áp 500 kV.
Tháng 10/2018, dự án chính thức ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và được cấp bảo lãnh của Chính phủ.
Trước đó, vào năm 2007 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề xuất đầu tư, với công suất 2.640MW, trên diện tích hơn 350 ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Năm 2009, Chính phủ đã chấp thuận để dự án được triển khai theo hình thức BOT.