CPTPP đầu tư vào Việt Nam 21,3 tỷ USD
Sau 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn FDI từ khối này vào Việt Nam đạt gần 21,3 tỷ USD. Trong đó, Singapore giữ ngôi quán quân (với 13,5 tỷ USD), tiếp đến Nhật Bản (6,5 tỷ USD).
Số liệu trên được nêu chi tiết tại Báo cáo 2 năm thực thi CPTPP, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.
CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019, được dự báo sẽ giúp tăng thu hút FDI vào Việt Nam nhờ các yếu tố như cam kết mở cửa đầu tư về dịch vụ, sản xuất cao hơn WTO; các cam kết về thể chế, quy tắc tiêu chuẩn cao, tăng mức độ bảo hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và CPTPP nói riêng, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài; động lực từ cơ hội xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, kết nối thương mại.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, Việt Nam thu hút gần 9,5 tỷ USD vốn FDI từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới là 4,05 tỷ USD, giảm 51,3%; vốn đăng ký tăng thêm 1,6 tỷ USD, giảm 50,6%; giá trị góp vốn mua cổ phần 4,4 tỷ USD, tăng 36,5%.
Đáng chú ý là, trong khi tổng vốn đăng ký giảm, thì số dự án cấp mới lại tăng hơn 13% so với năm 2018. Quy mô trung bình các dự án FDI mới từ khối CPTPP giảm mạnh so với trước đó, từ gần 11 triệu USD/dự án năm 2018 xuống còn 4,7 triệu USD/dự án năm 2019 (giảm 56,9%)…
Xét theo đối tác, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 còn hơn 4 tỷ USD (giảm 52%)...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) cho rằng, dù có một số lý do kỹ thuật khiến thu hút FDI từ CPTPP giảm mạnh, thì nhìn tổng thể chung, đây vẫn là kết quả ít nhiều gây thấy vọng, nhất là khi tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP tăng 51,3%.
Điểm đặc biệt trong dòng chảy FDI từ khối CPTPP vào Việt Nam năm 2019 là, trong khi vốn đầu tư từ các nguồn truyền thống như Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore giảm mạnh, thì vốn từ các đối tác mới (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện rõ nét. Điều này cho thấy, CPTPP đang tạo ra những tác động tích cực đối với các đối tác mới. Chẳng hạn, vốn từ Brunei đạt 69,6 triệu USD, tăng 319% so với năm 2018; từ Canada đạt 178,5 triệu USD, tăng 108,7%; từ New Zealand đạt 135 triệu USD, tăng 1.700%...
So với bức tranh ảm đạm của 2019, kết quả thu hút FDI từ khối CPTPP trong năm 2020 đã khả quan hơn, đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4%. Nhiều chuyên gia cho rằng, CPTPP đang tạo ra sức hấp dẫn riêng có của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19.
Chưa đạt kỳ vọng
Lý giải nguyên nhân thu hút FDI từ CPTPP không mấy khả quan trong năm 2019, Báo cáo của VCCI cho biết, năm 2018, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng đột biến nhờ Dự án thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,136 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư từ các nước đối tác CPTPP. Trong khi đó, năm 2019 không có dự án nào lớn như vậy, nên sự sụt giảm là điều có thể dự đoán trước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua đã cho thấy một số điều chưa đạt như mong muốn. Rõ nhất là vốn đầu tư từ môt số nước (Trung Quốc, Hàn Quốc…) không tham gia CPTPP, nhưng muốn tận dụng vị thế thương mại của Việt Nam để tăng xuất khẩu, nên chỉ chuyển nhà máy nhằm tận dụng xuất xứ Việt Nam theo cam kết trong các FTA để có lợi ích thuế quan và tăng xuất khẩu.
“Kể cả dòng vốn từ các nước lớn trong khối như Nhật Bản, Singapore tiếp tục giữ ngôi quán quân, thì lượng vốn này vẫn chưa vào những lĩnh vực mà Việt Nam kỳ vọng tạo nên chuỗi cung ứng mới, mà lại đổ vào bất động sản…”, bà Chi Lan phân tích.
Ở một bình diện bao quát hơn, Báo cáo 2 năm thực thi CPTPP cho rằng, sở dĩ vốn FDI từ khối này vào Việt Nam còn hạn chế là do các cam kết về thể chế cần nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng, còn cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP lại phần lớn có lộ trình dài, chưa thực hiện ngay trong 2 năm đầu tư thực thi. Hơn nữa, không giống như xuất nhập khẩu hàng hóa, các quyết định đầu tư cần một khoảng thời gian có thể đến vài năm để cân nhắc các yếu tố liên quan. Vì vậy, ngay cả với các cam kết mở cửa dịch vụ và đầu tư khi CPTPP có hiệu lực, thì vẫn cần một độ lùi thời gian đáng kể để các cam kết này có tác động thực tế.