Với gói thầu mới này, FECON sẽ là Nhà thầu chính thi công hạng mục “Cọc đất gia cố xi măng – CDM” tại dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 315 ngày.
Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng do Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư có quy mô chiều dài 02 bến là 900m (mỗi bến 450m), tiếp nhận cỡ tàu container lên đến 18.000 TEUs. Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2024, dự án sẽ được đưa vào vận hành khai thác và đây sẽ là dự án cảng biển container lớn nhất miền Bắc.
Cũng tại dự án này, đây là lần đầu tiên FECON đề xuất, áp dụng công nghệ thi công RAS – Công nghệ thi công cọc CDM đường kính lớn duy nhất tại Việt Nam, được chuyển giao từ đối tác RAITO KOGYO Nhật Bản. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là dùng động cơ công suất lớn, thi công cọc CDM đường kính tối đa là 2500mm, đồng thời, sử dụng kỹ thuật trộn 2 chiều tạo nên cọc CDM đồng nhất hơn và nhanh hơn so với công nghệ truyền thống. Công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi tại hầu hết các dự án cảng biển lớn tại Nhật Bản.
Bằng việc chủ động cập nhật, ứng dụng công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại tại dự án, FECON đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí cho chủ đầu tư – điều kiện tiên quyết để FECON trở thành nhà thầu chính cho gói thầu tại dự án này.
Việc ghi nhận thêm gói thầu mới ở thời điểm hiện tại có thể coi là điểm sáng của doanh nghiệp trong “đêm trường” của thị trường xây dựng giai đoạn cuối năm. Trước đó, 9 tháng đầu năm, FECON đã ghi nhận tổng giá trị hợp đồng ký mới là 3.500 tỷ đồng. Công ty vẫn đang theo đuổi các gói thầu mới với kỳ vọng ký thêm 2.000 tỷ đồng doanh thu trong quý IV, trước khi khép lại một năm kinh doanh đầy biến động.
Lạch Huyện là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ kết nối với thế giới của khu vực miền Bắc. Cảng Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam có vai trò đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Việc hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn và cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của khu vực Bắc Bộ, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc tới Khu công nghiệp Đình Vũ (Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) và cảng quốc tế tại đây. Đây sẽ là một trong những cửa ngõ kết nối giao thương trọng điểm với ASEAN và Trung Quốc.