Một đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, Nguồn ảnh: Internet |
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON khẳng định nếu được Bộ GTVT đồng ý liên doanh FECON – Coteccons sẽ huy động tối đa các nguồn lực để chuẩn bị, triển khai Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Được biết, FECON không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực xử lý nền móng, công trình ngầm tại Việt Nam mà còn bắt đầu tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT với công trình đầu tiên là Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Phủ Lý trong liên danh với chính Coteccons và Cienco1.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2015, Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) đã đề nghị Bộ chủ quản phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn I) theo hình thức BOT.
Theo đó, tuyến cao tốc này có chiều dài 23,6 km, đi qua 1 huyện của Đồng Tháp và 3 huyện của Vĩnh Long được xây dựng theo quy mô 4 làn xe hạn chế, rộng 17 m với điểm đầu tại nút giao QL80 hiện tại (Km0 +250) thuộc địa phận xã Tân Hòa, TP. Vĩnh Long và điểm cuối tại nút giao Chà Và (Km2062+700) trên Quốc lộ 1, thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Ước tính, diện tích sử dụng đất của Dự án là 128,6 ha, trong đó tỉnh Vĩnh Long khoảng 71,29 ha, tỉnh Đồng Tháp khoảng 57,33 ha.
Để hoàn vốn cho Dự án, đơn vị tư vấn đề xuất 9 phương án, trong đó phương án được lựa chọn có tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 6.168 tỷ đồng này nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn trong vòng 19 năm 3 tháng với mức thu khởi điểm là 1.500 đồng/km. Tại Dự án, nhà đầu tư cũng được nhà nước hỗ trợ quyền thu phí tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương trong 4 năm 10 tháng vơi mức thu là 1.700 đồng/km.
Dự án dự kiến khởi công trong quý II/2016 và hoàn thành vào quý IV/2018.
Theo ông Vũ Ngọc Dương, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, việc đầu tư Dự án sẽ góp phần hoàn thành đồng bộ hệ thống đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.