Tỷ giá đi ngang sau Fed tăng thêm 0,5% lãi suất USD
Ngày 11/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết là 23.141 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Một số ngân hàng cũng hạ giá USD như: Vietcombank giảm 15 đồng so với hôm qua, đưa giá mua USD xuống 22.765 đồng/USD và bán ra còn 23.075 đồng/USD.
Trên thị trường ngoại hối, đồng VND đã hầu như đi ngang trong tuần qua, trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực với yếu tố hỗ trợ chính trong giai đoạn này là nguồn cung USD tích cực (cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD).
Bên cạnh đó, số liệu từ NHNN chi nhánh TP HCM cũng cho thấy dòng tiền kiều hối tích cực trong quý I/2022 (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ).
Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch quanh mức 22.960/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM giảm 5 đồng, kết tuần ở mức VND 22.780-23.090. Trái ngược, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng 90 điểm sau nhiều tuần đi ngang, giao dịch ở VND 23.555-23.595.
SSI kỳ vọng biến động của VND vào năm 2022 sẽ lớn hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào vị thế ngoại hối. Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của CTCP Chứng khoán SSI, vị thế của VND đã tương đối khác so với giai đoạn Fed tăng lãi suất vào năm 2018.
Cụ thể, dự trữ ngoại hối, tính đến cuối năm 2021 đã đạt 110 tỷ USD – tương đương với khoảng 4 tháng nhập khẩu. Nguồn cung USD ổn định giúp hỗ trợ đồng VND, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, cán cân thương mại hay kiều hối.
Trong tháng 4/2022, áp lực về tỷ giá cũng đã xuất hiện trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và nhu cầu USD trên thị trường tăng theo yếu tố mùa vụ. VND đã giảm 0,3% trong tháng 4 và giảm 0,6% so với đầu năm, tỷ giá USD/VND hiện ở mức khoảng 23.000.
Nhìn chung, VND vẫn được đánh giá là đồng tiền ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Chuyên gia kỳ vọng biến động của VND vào năm 2022 sẽ lớn hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào vị thế ngoại hối.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nghiệp vụ bán lớn hợp đồng kỳ hạn USD kỳ hạn ba tháng cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn cung USD, và đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2018, NHNN đã có động thái tương tự.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng tiền đồng sẽ ổn định và giảm giá tương đối khoảng 1% so với USD trong năm 2022. Tính đến cuối tháng 4, tỷ giá VND/USD đã tăng 0,62% so với cuối năm 2021.
Tỷ giá VND/USD chỉ tăng 0,5-1% năm nay
Trong báo cáo chiến lược tháng 5/2022, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng nhận định, trong bối cảnh đồng USD tăng giá, VND kỳ vọng sẽ ổn định và giảm giá tương đối khoảng 1% so với USD trong năm 2022 nhờ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN.
Đồng thời chuyên gia cũng kỳ vọng cán cân thương mại thặng dư trong năm 2022 khi xuất khẩu tiếp tục tăng tốc; dòng vốn FDI tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu và dự trữ ngoại hối đạt mức cao và có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã được ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ vào tháng 4/2021, và được Mỹ dỡ bỏ đe dọa thuế quan do “thao túng tiền tệ” vào cuối tháng 7/2021, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD, Mirae Asset nhận định.
Trong 4 tháng đầu năm, USD tăng giá trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ quyết định đẩy mạnh việc nâng lãi suất trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 4/2022, tỷ giá VND/USD tăng 0,57% so với cuối tháng 3, và tăng 0,62% so với cuối năm 2021. VND bị mất giá tương đối so với USD.
Tuy vậy, mức độ mất giá của VND ở mức thấp so với sự mất giá của đồng tiền các nước châu Á khác, một phần nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và nguồn vốn FDI giải ngân vẫn lạc quan, cán cân thương mại duy trì thặng dư.
Giới phân tích tài chính nhận định, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Thêm vào đó, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022.
Dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỷ giá. Ngoài ra, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh cũng sẽ hỗ trợ tỷ giá.
Cùng với đó, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây rất linh hoạt, nhịp nhàng, đóng góp lớn cho giữ ổn định tỷ giá.
Theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định.
Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5%-1% so với năm ngoái do quan hệ cung-cầu ngoại tệ tương đối tốt. Điều quan trọng nữa giúp tỷ giá ổn định là cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày càng sát hơn với thị trường.
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm.